Với sự bùng nổ thông tin, nhiều người đã lên mạng tìm hiểu và tự điều trị bệnh cho mình mỗi khi gặp vấn đề về sức khỏe. Song cách chữa bệnh thông qua mạng xã hội luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại.

Có bệnh hỏi… Google

Hiện nay, tình trạng lên các trang mạng xã hội hay các công cụ tìm kiếm như Google để tra cứu thông tin về cách chữa bệnh khá phổ biến, thậm chí có những bậc phụ huynh còn dựa vào chỉ dẫn trên các trang mạng tự mua thuốc về cho con uống. Điều này gây ra những hậu quả khôn lường. Đơn cử, trường hợp bé Trần Thị Thu Hương (14 tuổi, phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) suýt nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì cha mẹ tự ý mua thuốc cho con uống để điều trị chứng sốt, ho. Chỉ sau 6 giờ uống thuốc, bé nổi ban đỏ khắp người kèm theo sốt cao… Rất may, do nhà gần bệnh viện nên bệnh nhân được cấp cứu kịp thời. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán cháu Hương bị hội chứng Stevens Johnson do dị ứng thuốc. Mất gần 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng dị ứng của bệnh nhân mới thuyên giảm… Hay như trường hợp bé Dương Văn Bằng (2 tuổi), con của anh Dương Văn Ninh và chị Nguyễn Thị Ngọc Trai (cũng trú tại TP. Nha Trang).Khi bé Bằng bị cảm sốt, chị Trai đã lên mạng tìm kiếm cách chữa bệnh bằng thuốc đông y và tây y. Từ thông tin trên mạng, chị Trai mua cây cúc tần về chưng đường phèn cho con uống 2 ngày nhưng không khỏi. Sau đó, chị tự mua thuốc tây về cho con uống nhưng bệnh lại trầm trọng hơn. Khi đưa bé Bằng đi khám bác sĩ, mới biết cháu bị sốt siêu vi. Chị Trai cho biết: “Tôi có thói quen lên mạng tìm kiếm thông tin về bệnh và các loại thuốc điều trị cho con. Ví dụ, trên mạng chỉ dẫn sốt 39oC thì mới cho uống thuốc hạ sốt, nên tôi cũng theo đó làm và mua đúng loại thuốc mà họ giới thiệu”.   

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

1

Cháu Bằng phải đến cơ sở y tế khám sau khi tự uống thuốc ở nhà.

Bác sĩ Cao Thị Hiền – Phòng khám Đa khoa Phúc Sinh (Nha Trang) cho biết: “Nhiều bà mẹ đưa con đến cơ sở chúng tôi khám khi đã tự cho uống thuốc theo chỉ dẫn trên mạng nhưng không khỏi. Các loại thuốc họ đã dùng dù đúng là thuốc điều trị, nhưng mỗi giai đoạn bệnh sẽ có liều lượng, loại thuốc khác nhau. Do đó, phụ huynh không nên tự cho con uống thuốc theo chỉ dẫn trên mạng. Làm như vậy rất dễ gây hậu quả không tốt, cũng như làm chậm tiến trình chữa bệnh”.

Mua thuốc online

Trong thực tế, trên mạng xã hội, nguy cơ không chỉ đến từ “bác sĩ Google”, mà còn tới từ những người bán thuốc trên mạng (chủ yếu là thuốc đông y). Những người này có thể phán đủ điều, không loại trừ trường hợp “kê đơn” vì mục tiêu bán được càng nhiều thuốc đắt tiền càng tốt, còn người bệnh thì không đủ kiến thức chuyên môn để phân biệt đúng sai, dẫn đến những nguy hại cho sức khỏe.

Một trang mạng bán thuốc tây online.

Một trang mạng bán thuốc tây online.

Chỉ cần một chiếc Smarphone hay một máy tính có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể online mua được hàng loạt loại thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc và thực phẩm chức năng qua mạng. Hàng trăm loại thuốc được rao bán trên các trang mạng xã hội từ thuốc chữa đau dạ dày, thuốc đường ruột, thuốc thần kinh, thuốc giảm béo, vitamin tổng hợp dành cho phụ nữ, thuốc chống biếng ăn cho trẻ… Không chỉ đa dạng về chủng loại mà xuất xứ, giá cả cũng hết sức đa dạng. Người bán dễ dàng, người mua cũng rất dễ dãi, chỉ cần thông qua những lời quảng cáo đầy hứa hẹn trên các trang web, người ta có thể bỏ ra hàng triệu đồng để mua một sản phẩm mà không biết rằng đó có phải là hàng thật hay không, sử dụng có phù hợp với thể trạng người mua và có tác dụng thật như lời quảng cáo hay không. Đã có không ít người rơi vào tình trạng tiền mất tật mang khi mua các loại thuốc và thực phẩm chức năng qua mạng.

Theo bác sĩ Lê Hữu Đồng – Trưởng khoa Nội – Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang, không phải loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào cũng đều tốt cho các đối tượng khách hàng. Các loại thuốc uống phải theo đúng chỉ định bệnh của bác sĩ mới có hiệu quả, còn thuốc dùng không theo chỉ định của bác sĩ rất dễ xảy ra nhiều vấn đề. Thứ nhất là dùng thuốc không đúng bệnh, thứ hai dù thuốc đúng bệnh nhưng hàm lượng liều lượng dùng không phù hợp cũng sẽ gây hại. Ví dụ hiện nay, trên mạng hay bán nhiều loại như: Omega 3, viên canxi hay vitamin tổng hợp, nếu dùng đúng liều lượng, hàm lượng thì tốt cho sức khỏe, còn quá mức sẽ dẫn đến những biến chứng khác.

Bác sĩ Trương Tấn Minh – Chủ tịch Hội Y tế công cộng tỉnh cho biết: “Khi chúng ta tìm hiểu về các bệnh lý, về sử dụng thuốc thì tốt nhất nên vào trang ykhoa.net, vì trang mạng này là của các bác sĩ, nên viết rất đầy đủ và giải thích rất rõ các vấn đề về y tế. Những trang mạng của các công ty dược lớn, trường đại học y khoa cũng là địa chỉ đáng tin cậy, vì họ sẽ chịu trách nhiệm trước những thông tin mà họ đưa ra. Song, khi vào các trang mạng chỉ nên tham khảo, không tự áp dụng cho bản thân, sẽ dẫn đến nguy hại do áp dụng không đúng. Bởi thuốc luôn là con dao hai lưỡi. Vì vậy, để điều trị bệnh cần phải hỏi trực tiếp ý kiến bác sĩ và đến các cơ sở y tế, tuyệt đối không tự mua thuốc cũng như tự điều trị bệnh thông qua các trang mạng”.

Đình Lâm

Theo: Báo Khánh Hòa