So với những tháng trước, gần đây, tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong nước đã được giải quyết phần nào. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu một số thuốc, nhất là những thuốc đặc trị, hiếm… Các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh cũng trong tình trạng tương tự.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận hàng trăm lượt người đến khám và điều trị nội trú. Hiện tại, bệnh viện vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu cung cấp thuốc, vật tư trong khám, điều trị bệnh. Tuy nhiên, theo thông tin từ bệnh viện, đối với một số bệnh phức tạp, có nguy cơ thiếu thuốc do đứt nguồn cung ứng. Có thể kể đến một số loại như: Paracetamol truyền tĩnh mạch; Immune Globulin; Fuconazol 200mg/100ml; thuốc gây tê nhổ răng…
Việc thiếu thuốc đã và đang gây áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ trong việc lựa chọn các loại thuốc thay thế, phù hợp cho bệnh nhân sử dụng trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Xuân – Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có một số thuốc thiếu do Bộ Y tế đứng ra đấu thầu. Tuy đã có kết quả đấu thầu, bệnh viện đã tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng với công ty trúng thầu nhưng vẫn chưa được cung ứng. Trước tình trạng thiếu thuốc, các cơ sở khám chữa bệnh đã phải linh động sử dụng thuốc khác thay thế, tuy nhiên hiệu quả không cao so với việc sử dụng đúng loại, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện nay, loại thuốc Paracetamol đường truyền chỉ ưu tiên sử dụng cho một số khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức, chấn thương chỉnh hình, cấp cứu ban đầu; những khoa còn lại thì sử dụng các loại thuốc giảm đau khác.
Các cơ sở khám chữa bệnh công lập tuyến tỉnh khác trên địa bàn tỉnh cũng trong tình trạng thiếu một số loại thuốc, vật tư y tế trong phục vụ điều trị chuyên sâu, kỹ thuật cao. Nguyên nhân do dịch Covid-19 diễn biến kéo dài khiến nguồn nguyên liệu sản xuất khan hiếm, giá thuốc và vật tư y tế có nhiều biến động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp có tâm lý e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp. Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60 năm 2021 của Chính phủ gây áp lực đến kế hoạch phân bổ tài chính, dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại… Bác sĩ Phan Hữu Chính – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng: “Không chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà những bệnh viện càng lớn, tuyến Trung ương càng khó khăn hơn về thiếu thuốc, vật tư y tế. Đây là vấn đề lớn, chỉ có Bộ Y tế mới giải quyết được. Vì thế, Bộ Y tế phải tập trung xây dựng lại các quy định thầu, giấy phép, cấp phép thuốc cho phù hợp với thực tiễn”.
Trước thực trạng đó, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, quyết liệt khắc phục tình trạng này. Liên quan đến giải pháp hỗ trợ các bệnh viện trong tình trạng thiếu thuốc khi chưa gỡ rối được công tác đấu thầu, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đồng thời đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là các thuốc hiếm và đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với những thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá… Bộ Y tế đang nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế; đề xuất xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Trang thiết bị y tế….
Hiền Ly