Nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh đang đối diện với khó khăn khi giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí chuyến biển tăng theo. Tuy thời điểm này đang là chính vụ khai thác nhưng sản lượng đạt không cao, hiệu quả chuyến biển thấp, thậm chí thua lỗ nên nhiều chủ tàu tính chuyện cho tàu nằm bờ.
Chi phí tăng
Hiện nay, tại vùng nước phía trước cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), hàng trăm tàu cá xa bờ đang neo đậu. Do giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến chi phí chuyến biển tăng theo nên nhiều chủ tàu chưa xuất bến. Ông Nguyễn Thế Hiển – chủ tàu KH 95598 TS ở Hòn Rớ cho biết: “Tàu câu cá ngừ đại dương của gia đình tôi mỗi chuyến bám biển khoảng 20-22 ngày, với 3.000 lít dầu; chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 50% trong tổn phí của chuyến biển, khoảng 90 triệu đồng. Hiện nay, giá xăng dầu tăng cao, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo, ngư dân chúng tôi phải tốn thêm khoảng 20 triệu đồng, tổn phí mỗi chuyến biển lên mức 110 triệu đồng”.
Chi phí chuyến biển của các tàu lưới cản đường dài khai thác cá ngừ sọc dưa cũng tăng cao sau khi giá dầu diesel tăng lên hơn 21.000 đồng/lít. Trước đây, khi xăng dầu ở mức 14.000 – 15.000 đồng/lít, mỗi chuyến biển, tàu cá KH 96336 TS của gia đình ông Nguyễn Đình Chiến (phường Vĩnh Phước, Nha Trang) chỉ tốn khoảng 150 triệu đồng cho khoảng 20 ngày bám ngư trường, trong đó chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 50%. Hiện nay, giá dầu tăng, chi phí cho mỗi chuyến biển của tàu cá này lên mức 200 triệu đồng, trong đó tiền dầu gần 100 triệu đồng.
Theo phân tích của ngư dân Đào Duy Hùng – chủ tàu lưới cản đường dài KH 96651 TS, tổn phí nhiên liệu, nhu yếu phẩm tăng, ngư dân hy vọng giá cá bán tại cảng cũng tăng để bù đắp chi phí. Thế nhưng, giá bán thực tế tại cảng Hòn Rớ những ngày này không tăng; cá ngừ vây vàng mắt to vẫn ở mức 145.000 – 150.000 đồng/kg, cá ngừ sọc dưa trung bình 30.000 đồng/kg, tương tự 3 chuyến biển trước. Vì vậy, trung bình tàu câu cá ngừ đại dương khai thác được khoảng 1 tấn/chuyến, tàu lưới cản đường dài khai thác từ 7 đến 8 tấn/chuyến thì mới đủ tổn phí. Những tàu cá có sản lượng khai thác đạt thấp thì cầm chắc phần thua lỗ.
Chủ tàu gặp khó khăn
Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 708 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản xa bờ. Trong đó có: 292 tàu câu cá ngừ đại dương, 132 tàu lưới cản đường dài, 26 tàu lưới vây khai thác cá ngừ sọc dưa, 20 tàu mành chụp… |
Không chỉ giá nhiên liệu tăng cao, hoạt động khai thác xa bờ còn gặp nhiều khó khăn khi lao động nghề biển khan hiếm, nguồn lợi thủy sản suy giảm nên hiệu quả khai thác không cao. “Chuyến biển vừa rồi, tàu cá của gia đình tôi chỉ khai thác được 3,5 tấn cá ngừ sọc dưa, thu được 100 triệu đồng, lỗ gần 50 triệu đồng. Đang là chính vụ khai thác nên dù giá nhiên liệu ở mức cao, tôi vẫn quyết định cho tàu vươn khơi khai thác với hy vọng trúng luồng cá, đạt sản lượng cao để bù lỗ chuyến vừa rồi. Nếu tiếp tục thua lỗ thì chắc chắn tôi sẽ cho tàu nằm bờ”, ông Nguyễn Đình Chiến cho biết.
Ông Nguyễn Văn Ba – Phó Trưởng Ban Quản lý cảng Hòn Rớ cho biết: “Giá xăng dầu tăng liên tục thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các tàu cá xa bờ trên địa bàn tỉnh trong những chuyến biển gần đây. Cao điểm mùa vụ khai thác, tại cảng Hòn Rớ có khoảng 400 tàu xuất bến, trong chuyến biển tháng 2 chỉ có 296 tàu bám biển. Hiện nay, các tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản đường dài cũng lần lượt về cập cảng. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt không bằng những chuyến biển trước, trong khi giá bán không tăng nên hiệu quả chuyến biển thấp. Nhiều chủ tàu cho biết, nếu thua lỗ thì sẽ cho tàu nằm bờ để cắt lỗ. Từ đầu tháng 3 đến nay, mới có 36 tàu đăng ký, làm thủ tục xuất bến đi khai thác, thấp hơn so với cùng thời điểm này những năm trước”.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, hoạt động của các tàu cá đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số tàu tuy đã trễ hạn đăng kiểm nhưng vẫn không tiến hành thủ tục để gia hạn vì lý do nghỉ biển, gặp khó khăn về kinh phí. Nhiều chủ tàu kiến nghị Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, đồng hành với ngư dân như: Ổn định đầu ra của sản phẩm thủy sản khai thác; hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và cước phí liên lạc trên biển; có chính sách để đào tạo, thu hút lao động nghề biển. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét việc tăng thêm số chuyến biển được hỗ trợ nhiên liệu cho chủ tàu từ 4 chuyến/năm lên 6 chuyến/năm…
HẢI LĂNG
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202203/nguy-co-tau-ca-nam-bo-8245187/