Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nguy cơ mất vụ chuối Tết

Nông dân các địa phương đang dựng lại những cây chuối đổ với hy vọng hồi phục sức cây sau bão. Tuy nhiên, do tỷ lệ cây đổ gãy quá lớn, sức cây yếu nên vụ chuối Tết năm nay có nguy cơ bị thiếu hụt nguồn cung.

Tìm mọi cách khắc phục

Hơn 10 ngày sau cơn bão số 12, những đồi chuối mốc ở thôn Cô Róa (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) vẫn ngả rạp. Xã có 60ha chuối thì phần lớn đều bị đổ gãy. Hộ thiệt hại ít thì vài sào, hộ nhiều tới 5 – 6ha. Hộ ông Cao Đinh bị thiệt hại 2ha trong 5ha chuối mốc, hầu hết đều đang trong giai đoạn ra buồng. “Gia đình tôi đang huy động người phát dọn cây đổ gãy cho cây con phát triển, từng bước khôi phục sản xuất”, ông Đinh chia sẻ.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, toàn huyện có hơn 40% diện tích chuối mốc bị thiệt hại, tương đương 305ha. Thiệt hại nặng nhất là xã Sơn Lâm (121ha), Ba Cụm Bắc (110ha). Theo ông Cao Phạm Cưỡng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, bên cạnh thống kê, lập danh sách các hộ có diện tích chuối bị thiệt hại để đề nghị hỗ trợ, hội cũng chỉ đạo các cơ sở hội tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân tập trung chăm sóc những diện tích có thể phục hồi để cây tiếp tục phát triển, hy vọng còn kịp chuối vụ Tết. Những diện tích bị thiệt hại nặng thì phát dọn để tái sản xuất.

Ở xã Suối Cát (huyện Cam Lâm), 755ha chuối của xã (chuối mốc và chuối cau) dự kiến thu hoạch dịp Tết Nguyên đán 2018 đều bị thiệt hại. Xã có 7 thôn với gần 500 hộ trồng chuối thì chỉ có 2 hộ ở thôn Suối Lau 2 bị thiệt hại nhẹ, gãy đổ khoảng 100 cây trong tổng số 1.000 cây. Toàn huyện có khoảng 1.000ha chuối thì thiệt hại do bão ước hơn 70%. Tuy vậy, đây vẫn chỉ là thiệt hại trước mắt, bởi với cây chuối, chỉ cần bị đổ, lỏng gốc, cây sẽ yếu, khả năng nuôi buồng kém nhiều. Là 1 trong 2 hộ may mắn có rẫy chuối bị thiệt hại ít nhất xã Suối Cát, đến nay, ông Hứa Mạnh Văn Hùng (thôn Suối Lau 2) bắt đầu lo lắng. Khoảng 1 tuần sau bão, những cây bị gió tạt nghiêng bắt đầu có hiện tượng vàng lá, héo rũ, thân không nuôi được buồng. Ông phải gấp rút thuê người lên núi kiểm tra, lựa những cây chuối héo lá, buồng chuối đã già thì cắt đem bán đỡ.

Mấy ngày nay, ông Cao Văn Thông (thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát) cũng cật lực lo phát dọn cây gãy, chống dựng lại từng cây bị đổ. Đến nay, ông mới chống được 300 cây chuối. “2 năm qua, 2ha chuối của nhà tôi đều không cho thu hoạch vì nắng nóng. Năm nay bớt nắng, cây đang ra buồng đẹp thì lại gặp bão. Bây giờ tôi chỉ biết cố hết sức chống dựng được càng nhiều cây càng tốt để vớt vát vụ chuối”, ông Thông nói. Ở các rẫy chuối khác, đâu đâu cũng thấy cảnh nông dân đỡ dựng, chống nạng cho cây và chặt bán buồng đã già do trổ sớm hoặc do cây bị vàng, trơ lá.

Ông Lê Thành Huy – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước mắt, xã hướng dẫn người dân thu dọn sạch những thân chuối đổ gãy và xử lý đất. Đồng thời, xã phát đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi do bão gây ra để người dân tự kê khai, có xác nhận của thôn. Sau đó, xã sẽ lập đoàn kiểm tra thực tế và làm tờ trình huyện để báo cáo tình hình thiệt hại, xin hướng dẫn mức hỗ trợ cụ thể.

Nông dân xã Suối Cát tích cực chống dựng, chằng buộc từng cây chuối

Có thể trồng lại cho vụ tới

Theo thông tin của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong cơn bão vừa qua, cây chuối và cây đu đủ bị thiệt hại nặng nhất, tiếp đến là sầu riêng. Toàn tỉnh có hơn 4.400ha diện tích trồng chuối, nhiều nhất ở Cam Lâm, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Sơn. Các địa phương có diện tích trồng chuối bị thiệt hại do bão nặng nhất là: Cam Lâm, Khánh Vĩnh (hơn 70%), thấp nhất là Nha Trang (30%).

Sau bão, anh Hồ Minh Thành (thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát) đã dựng lại những cây nghiêng và chống nạng được cho hơn 200 cây. Điều anh lo lắng nhất là rễ con của những cây chuối bị chết bao giờ cũng sinh ra mầm bệnh trong đất, vì vậy, ở đất vườn đó, ít nhất 5 năm sau mới trồng lại được. “Tôi mới thuê gần 2ha đất ở thôn Suối Lau 1 trồng hơn 2.300 cây chuối mốc từ năm nay. Tiền thuê đất 1 triệu đồng/sào đã trả cho cả 3 năm, nếu vụ tới không trồng chuối tiếp được thì thiệt hại quá”, anh Thành nói. Cũng vì lo ngại không thể trồng lại chuối vụ tới nên một số nông dân đã tính chuyện trồng cây keo thay thế.

Bà Trịnh Thị Thùy Linh – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, những diện tích chuối đã đổ gãy hoàn toàn thì không khôi phục kịp cho vụ này. Trừ những diện tích bị nhiễm nấm gây bệnh Panama (sâu lửa) tuyệt đối không thể trồng lại ngay vụ tới, đối với những diện tích chuối khỏe mạnh, bị đổ gãy do bão nên phải chặt bỏ, nông dân hoàn toàn có thể tiếp tục chăm những cây con. Chuyển đổi từ đất trồng chuối sang trồng keo có một số hạn chế: cây keo rất dễ gãy đổ do gió bão; đất trồng keo, cao su dễ bị bạc màu, sau này rất khó trồng lại được cây chuối. Ngoài ra, ngay sau bão, chi cục đã có văn bản tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và gửi các trạm hướng dẫn biện pháp khắc phục cụ thể đối với cây trồng. Theo đó, bên cạnh phát dọn cây gãy đổ, người dân nên khơi thông vùng đọng nước, đánh tơi, làm thoáng đất, dựng lại cây, chống, cố định thân, giậm chặt đất quanh gốc; không bón phân hóa học vào đất đối với cây ăn quả bị long gốc…

TIỂU MAI – ĐINH LUẬN

Theo: Báo Khánh Hòa