Sau thời gian dài tạm lắng, dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện trở lại tại Khánh Hòa. Cùng với nỗ lực nhanh chóng dập dịch, việc tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn trong chăn nuôi vẫn là giải pháp hiệu quả nhất.
ASF xuất hiện ở 2 địa phương
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 5 đến 25-5, ASF đã lần lượt xuất hiện tại 8 hộ, 4 thôn của xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh. Số heo bệnh, chết buộc tiêu hủy là 55 con với tổng khối lượng gần 4,5 tấn. Đây đều là những hộ nuôi nhỏ lẻ, các điều kiện về chuồng trại, an toàn sinh học trong chăn nuôi chưa đảm bảo.
Theo lãnh đạo UBND xã Cam Phước Đông, từ đầu tháng 5 đến nay, xã đã tổ chức phun 50 lít hóa chất tiêu độc ổ dịch và các hộ chăn nuôi heo tại 4 thôn xảy ra dịch là: Suối Môn, Thống Nhất, Hòa Bình và Hòa An; lập biển báo tại các ổ dịch; giám sát chặt chẽ hộ có heo nghi mắc bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống ASF theo quy định. Thời gian tới, lực lượng chức năng của xã tiếp tục hướng dẫn kiểm tra, giám sát và theo dõi lâm sàng đàn heo của các hộ chăn nuôi trên địa bàn, kịp thời báo cho cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm heo ốm, sốt, nghi mắc bệnh.
Trong khi đó, ngày 19-5, cơ quan chức năng ghi nhận ASF tại 1 hộ chăn nuôi ở thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm. Toàn bộ đàn heo 127 con với hơn 3,1 tấn của hộ nuôi này đã buộc phải tiêu hủy, trong đó có 25 con heo nái, 2 con heo đực và 100 con heo con.
Hiện nay, toàn xã Suối Tân có khoảng 60 hộ, trại chăn nuôi heo với tổng đàn 3.615 con. Riêng tại thôn Vĩnh Phú có 14 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 2.854 con. Tuy nhiên, ngoại trừ 1 trại gia công có tổng đàn 2.500 con được nuôi khép kín, sử dụng các giải pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, 13 hộ nuôi còn lại đều chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, không đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Ngay sau khi xuất hiện ASF ở hộ nuôi nói trên, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm đã cấp 24 lít hóa chất cho UBND xã Suối Tân chỉ đạo lực lượng tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại ổ dịch và khu vực xung quanh theo quy định, đồng thời triển khai điều tra, giám sát, kịp thời xử lý khi đàn heo của các hộ nuôi có dấu hiệu dịch bệnh.
Ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, điều tra dịch tễ các yếu tố nguy cơ của ổ dịch, các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi chuồng hở, không áp dụng giải pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi; chuồng nuôi nằm trong khu dân cư. Nguyên nhân dẫn đến xuất hiện ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại các hộ chăn nuôi có thể do vận chuyển, người ra vào trại và không áp dụng các giải pháp an toàn sinh học trong quá trình nuôi.
Quyết liệt khống chế
Ngày 20-5, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra thực tế ổ dịch và công tác phòng, chống dịch bệnh ASF tại TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Sau khi trao đổi với người chăn nuôi, chính quyền địa phương, đối chiếu với tình hình dịch tễ tại địa phương, cơ quan chuyên môn nhận định tình hình dịch bệnh ASF có chiều hướng lây lan trong thời gian tới, đặc biệt là tại các hộ nuôi quy mô nhỏ, các điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo.
Ngày 21-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện ngay các giải pháp phòng, chống dịch bệnh ASF. Theo đó, sở đề nghị UBND TP. Cam Ranh xem xét công bố dịch bệnh ASF trên địa bàn xã Cam Phước Đông theo quy định. Sở cũng đề nghị UBND TP. Cam Ranh và UBND huyện Cam Lâm chỉ đạo 2 xã đang xảy ra ASF tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp chống dịch, trong đó chú trọng tuyên truyền, ký cam kết với tất cả hộ chăn nuôi heo trên địa bàn xã không được vận chuyển, bán chạy, giết mổ heo nghi mắc bệnh; tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ và buôn bán heo, sản phẩm heo nghi mắc bệnh.
Đối với các địa phương chưa có dịch bệnh ASF, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp heo bệnh, chết; tiến hành tiêu hủy khẩn cấp trong 24 giờ đối với heo bị ASF; tổ chức triển khai đầy đủ, quyết liệt các giải pháp chống dịch. Bên cạnh đó, tổ chức thống kê toàn bộ đàn heo trên địa bàn; hướng dẫn áp dụng các giải pháp an toàn sinh học; tổ chức tiêm phòng bắt buộc theo quy định; xây dựng phương án và sẵn sàng các giải pháp ứng phó khi có dịch bệnh ASF xảy ra trên địa bàn.
“Việc người chăn nuôi khai báo kịp thời, phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm với chính quyền địa phương và cơ quan thú y là giải pháp quan trọng nhất, có tính chất quyết định đến hiệu quả phòng, chống dịch”, ông Lê Thắng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai các giải pháp chống dịch bệnh ASF, trong đó chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời đối với heo mắc bệnh, tránh lây lan; thông báo cho các đơn vị chăn nuôi quy mô trang trại tăng cường các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhiễm vào trại; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn, đặc biệt là tại xã có dịch và khu vực xung quanh.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202105/nguy-co-lay-lan-dich-ta-heo-chau-phi-8217176/