Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Thời gian qua, vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, cải tạo công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.

Hàng ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn


Qua gần 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH)”, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội đã đẩy mạnh lãnh đạo, thực hiện tín dụng CSXH, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với nhiều đối tượng. Theo bà Phan Thị Minh Lý – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Cam Ranh, các cấp ủy, các địa phương trên địa bàn thành phố đã đưa hoạt động tín dụng CSXH vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm; huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm… Kết quả mỗi năm, thành phố có hơn 4.200 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với doanh số giải ngân hơn 145 tỷ đồng. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020 từ 6,06% xuống còn 0,67%. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền thành phố luôn quan tâm, cân đối nguồn vốn chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo từng năm. Nguồn vốn ngân sách thành phố chuyển sang NHCSXH từ khi có Chỉ thị 40 đến nay là 6,7 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác thành phố đến nay đạt hơn 7,6 tỷ đồng.



Một hộ dân ở thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên (huyện Diên Khánh) chăm sóc đàn bò được gây dựng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.



Huyện Cam Lâm có số hộ nghèo khá nhiều. Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện từng bước thoát nghèo bền vững. Ông Trần Văn Khuê – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cam Lâm cho biết, mỗi năm có khoảng 4.560 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với doanh số cho vay hơn 117,8 tỷ đồng. Nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH từ năm 2015 đến nay hơn 26,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huyện hơn 3,7 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 22,6 tỷ đồng.

Tiếp tục nâng cao hoạt động tín dụng



Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, đến ngày 31-8, tổng nguồn vốn của đơn vị hơn 3.295 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương gần 2.845 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương hơn 450,6 tỷ đồng. Từ ngày 1-1-2015 đến ngày 31-8-2021, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang ngân hàng gần 287,5 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.584 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ủy thác.

Ông Hồ Đắc Thích – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40, vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần làm chuyển biến phương thức sản xuất của các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Dư nợ tín dụng từ năm 2015 đến nay tăng trưởng 1.437 tỷ đồng, số hộ tiếp cận vốn trung bình 37.049 lượt hộ/năm; tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,38% năm 2015 xuống còn 0,25% vào thời điểm ngày 31-8.


Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng CSXH, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Tỉnh ủy vừa ban hành công văn chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, NHCSXH tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH với nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, các đơn vị cần phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Kết luận số 06, ngày 10-6-2021 và Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến toàn thể đảng viên, cán bộ và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng CSXH; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Các ngành, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng CSXH; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH. Chính quyền các cấp cân đối, ưu tiên bố trí hợp lý ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. NHCSXH tỉnh tiếp tục triển khai mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH đặc thù; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định…


MAI HOÀNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/taichinh-nganhang/202109/nguon-von-tin-dung-chinh-sach-gop-phan-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-8228111/