Một văn phòng du lịch không bán tour cho người Việt, chỉ bán cho người Nga. Ảnh: Ngân Giang. |
B
iển hiệu toàn tiếng Nga – Trung dày đặc ở Nha Trang khiến du khách đến đây giật mình vì tưởng như đang ở một xứ lạ nào đó. Và không riêng khách tham quan không tìm thấy chút bản sắc Việt Nam nào tại thành phố biển này, mà chính những người dân Nha Trang cũng đang có cảm giác lạc lõng tại chính quê hương của mình.
Từ chối người Việt
Trong vai khách du lịch, Zing.vn bước vào một số cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ trên phố Nguyễn Thiện Thuật. Ban đầu, tưởng chúng tôi là khách Trung Quốc, 2 nhân viên bán hàng thoải mái tiếp đón. Tuy nhiên, đến khi họ nhận ra đây là người Việt, thái độ của họ thay đổi hẳn.
– Chiếc vòng này bán bao nhiêu tiền?, chúng tôi hỏi.
– Vài trăm ngàn, nhân viên cửa hàng đáp gọn lỏn.
– Những dòng chữ tiếng Trung này nghĩa là gì? Sao không ghi tiếng Việt cho dễ hiểu?
– Cửa hàng chủ yếu bán cho khách Trung, nên ghi tiếng Trung!
– Cửa hàng này không bán cho người Việt sao?
– Người Việt vào đây thường không mua mà chỉ xem, nên tụi em không tiếp luôn từ đầu!
Đi thêm vài bước, phóng viên vào một văn phòng du lịch. Tất cả các dịch vụ tại đây đều ghi bằng tiếng Nga. Nhân viên bán tour cũng là người Nga.
“Nơi này chỉ bán tour cho người Nga. Người Nga không muốn đi chung với người Việt”, nhân viên cửa hàng từ chối khéo khi chúng tôi hỏi về các điểm đến du lịch.
Ma trận tiếng nước ngoài trong hẻm 120 Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: An Bình. |
Cũng trên con phố Nguyễn Thiện Thuật này, phóng viên nhận được sự tiếp đón lãnh đạm của 2 nhân viên cửa hàng chăn ga gối đệm – nơi có biển hiệu dày đặc tiếng Trung.
“Người Việt đến đây mua ga gối làm gì, hâm à!”, một trong 2 cô gái bán hàng nói với theo khi khách hàng vừa bước chân ra khỏi cửa.
Tình trạng tương tự xảy ra ở cửa hàng bán đồ da, cửa hàng bán ngọc trai, và một khách sạn. “Em thông cảm, khách sạn này chỉ tiếp khách Trung Quốc”, nhân viên lễ tân lịch sự tiễn phóng viên và giới thiệu tới một số nơi nghỉ khác có tiếp khách Việt.
Nhiều khách sạn trọng con hẻm 120 Nguyễn Thiện Thuật, nơi nổi tiếng với nhiều homestay, nhà nghỉ theo phong cách địa phương, cũng từ chối khách hàng Việt.
“Dịch vụ của tôi chỉ phục vụ người nước ngoài, không tiếp người Việt nên không cần thiết phải ghi tiếng Việt”, bà chủ một homestay thẳng thắn trả lời khi được hỏi.
Vui buồn với khách Trung
Khoảng 3 năm trở lại đây, khách Trung Quốc đến Nha Trang tăng đột biến. Dễ dàng nhận ra lượng khách du lịch Trung Quốc đông nghịt ở các trung tâm mua sắm, khu vui chơi. Nói chuyện với một vài du khách trẻ, họ cho biết phần nhiều người đến Nha Trang đều ở Vân Nam, Tứ Xuyên.
Từ các thành phố này muốn tắm biển thì đến Nha Trang là gần nhất so với đi các nơi khác của Trung Quốc. Ngoài ra, hải sản của Việt Nam tươi ngon, giá thành rẻ hơn nhiều so với tôm, cua đông lạnh ở nước họ.
Tình trạng du khách từ quốc gia láng giềng xuất hiện khắp nơi khiến nhiều người dân Nha Trang tỏ ra ngột ngạt vì “đâu đâu cũng có tiếng Hoa, họ ồn ào, bất lịch sự, thiếu văn hóa”, một người dân phố biển nói.
Một cửa hàng bán đồ trang sức với bảng hiệu dày đặc tiếng Trung. Nhân viên nơi này thờ ơ khi thấy khách vào là người Việt Nam. Ảnh: Ngân Giang. |
Tại bãi biển, quảng trường Trầm Hương, các địa điểm du lịch,… lúc nào cũng có bóng dáng khách du lịch Trung Quốc. Ở những nơi thờ tự tôn nghiêm, cần yên tĩnh và ăn mặc kín đáo như chùa Long Sơn, khách Trung tới đây vẫn cười nói rổn rảng, chen lấn, ăn mặc không phù hợp.
“Ngoài giờ làm việc, tôi chỉ muốn trốn trong nhà. Đường phố, bãi biển toàn người Trung Quốc. Các trung tâm thương mại, quán cà phê, hàng ăn cũng toàn tiếng Hoa. Họ rất ồn ào, vứt rác bừa bãi, chen lấn gây mất trật tự”, chị Trần Mỹ Hà (trú đường Đinh Liệt, phường Phước Long) thở dài.
Người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Nha Trang này nói thêm, người Việt Nam ra đường, nếu không chú ý, sẽ được chào bằng tiếng Trung Quốc. “Rất bực bội”, chị chán nản.
Có cùng ý kiến, chị Hoa, bán hàng trên đường Võ Thị Sáu cho biết khoảng 2 năm nay, thành phố đã vãn khách Nga, do họ chuyển hướng tới Mũi Né, Phan Thiết. Phần lớn khách Trung Quốc tới đây chỉ lưu lại 2-3 ngày, nhưng “họ đến và đi nhưng một con lốc, mang theo đầy rác, để lại đằng sau sự bực dọc và ồn ào của dân địa phương”.
“Lắm lúc mình bước vào 1 cửa hàng mà bị nhân viên coi như không tồn tại mà chỉ vồ vập khách Trung, rất tủi thân”, cô Hoa kể lại.
Ông Nguyễn Thái Hòa (sinh năm 1964, ngụ phường Phước Đồng) thì chọn cách “không đến khu trung tâm” là xong, vì “bãi biển, khu trung tâm thành phố toàn tiếng nước ngoài, nghe chẳng hiểu gì, lại ồn ào, chỉ thêm bực mình”.
Người cha có 2 con trai đều làm việc tại Sài Gòn cho biết các con muốn đón bố mẹ vào ở cùng để tiện chăm sóc, nhưng hai vợ chồng ông từ chối vì không muốn rời xa thành phố biển đã quá gắn bó này.
“Nhưng nhiều lúc nghĩ cũng buồn, chỗ mình ở mà có những nơi không tiếp người Việt, biển hiệu thì tiếng Tây Ta lẫn lộn, ra đường thỉnh thoảng còn bị nhầm là người Trung Quốc”, ông Hòa chép miệng.
Ngoài chữ bánh xèo, cả thực đơn này không có chữ tiếng Việt nào. Khi được hỏi về nguyên liệu của các loại bánh, khách hàng được yêu cầu “nhìn hình và đoán”. Ảnh: Ngân Giang. |
Theo: Zing News