Những năm gần đây, phần lớn người dân xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bỏ nghề đi biển, đánh bắt thủy sản để làm việc tại các khu nghỉ dưỡng, du lịch trên địa bàn.

Hơn 3 năm về trước, khi còn gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản gần bờ, thuận lợi lắm thu nhập của ông Phan Ngọc Vương, thôn Thủy Triều mới đạt được 5 triệu đồng/tháng. Đã vậy, việc đánh bắt còn bấp bênh, những lúc không thuận lợi, có khi cả tháng ông không có đồng thu nhập nào. Cuộc đời ông như sang trang mới khi ứng tuyển và được nhận vào làm bảo quản, duy trì hồ bơi tại khu nghỉ dưỡng Mia resort với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Ông Vương chia sẻ: “Với người đi biển như tôi, đó là mức thu nhập tốt, khá hơn nhiều so với thu nhập bấp bênh từ biển. Bây giờ nhiều người làm nghề biển như tôi cũng đã nghỉ hẳn, về làm tại các khu nghỉ dưỡng dọc biển Bãi Dài với thu nhập cao hơn và ổn định hơn”.

Nhờ dịch chuyển cơ cấu lao động phổ thông ở xã Cam Hải Đông, đầm Thủy Triều  đã giảm bớt nạn đánh bắt thủy sản bằng lờ dây, lưới đáy.

Nhờ dịch chuyển cơ cấu lao động phổ thông ở xã Cam Hải Đông, đầm Thủy Triều đã giảm bớt nạn đánh bắt thủy sản bằng lờ dây, lưới đáy.

Theo những người dân xã Cam Hải Đông, trước đây, 100% người dân lao động ở xã đều gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản gần bờ, thả lưới đáy trong đầm Thủy Triều… Thế nhưng, từ khi các khu nghỉ dưỡng dọc biển Bãi Dài đi vào hoạt động, cần nguồn lao động phổ thông lớn, nhiều người đã xin vào làm, có được công việc ổn định hơn nhiều.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Ông Nguyễn Văn Cai – cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã Cam Hải Đông cho biết, dân số ở xã là 3.102 người. Theo số liệu điều tra mới nhất, hiện nay, xã có khoảng 1.200 người dân đang làm tại các khu nghỉ dưỡng, vị trí làm việc đa phần là: phục vụ buồng phòng, pha chế, chăm sóc cây xanh, cứu hộ… Nhờ có công việc ổn định, thu nhập trung bình từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng, cuộc sống của nhiều người dân đã khá hơn. Điều đáng mừng, một bộ phận người dân không có việc làm ở xã lâu nay, qua các khóa đào tạo ngắn hạn đã được nhận vào làm, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Điều dễ nhận thấy nhất là số lượng tàu đánh bắt gần bờ của xã trước đây có hơn 30 chiếc, bây giờ giảm chỉ còn khoảng 11, 12 tàu. Bên cạnh đó, số lượng người dân đánh bắt thủy sản bằng lờ dây, lưới đáy trong đầm Thủy Triều cũng giảm hơn 60%, không phát sinh mới. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng trong dịch chuyển cơ cấu nghề nghiệp, việc làm của người dân. Thay vì bấp bênh với nghề biển, mọi người đã tự chuyển đổi việc làm cho mình, phù hợp với sự phát triển của địa phương. Làm việc cho các khu du lịch, mọi người còn được hưởng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm.

Ông Trần Nhất Luân – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông cho biết, với nhu cầu chuyển đổi việc làm, địa phương đã phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ buồng phòng, pha chế, nấu ăn, cây xanh… cho người dân. Thông qua các kênh như: đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ… địa phương cũng tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, việc làm sớm cho các học sinh, sinh viên trong xã. Bên cạnh đó, UBND xã kết nối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, nắm thông tin về nhu cầu lao động, phát thông báo trên loa truyền thanh địa phương để người dân biết. Bên cạnh đó, xã vẫn tiếp tục học tập các mô hình nuôi trồng thủy sản khác như: hàu Thái Bình Dương, ốc hương, nuôi cá lồng bè… để phổ biến, hướng dẫn cho các hộ có nhu cầu gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản.

V.THÀNH
 

Theo: Báo Khánh Hòa