Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Người dân mong được hoán đổi đất sản xuất

Tuy đã được nhiều cấp giải quyết, nhưng những hộ có đất trong Dự án Nhà máy điện mặt trời hòa lưới 10MWP tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh vẫn cho rằng chưa thỏa đáng. Người có đất bị thu hồi mong được hoán đổi đất khác để sản xuất.   

Theo các hộ: Mang Lánh, Thị Sanh, Mang Hám và Thị Điếu (cùng trú tại thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây), trước đây, các hộ được Nhà nước cấp đất sản xuất theo Chương trình 134, 135 của Chính phủ. Nhờ diện tích đất này mà các hộ đã phát triển kinh tế, có đời sống ổn định. Đến tháng 8-2016, UBND TP. Cam Ranh có quyết định thu hồi đất đối với các hộ này để phục vụ Dự án Nhà máy điện mặt trời hòa lưới 10MWP. Sau nhiều lần họp, người dân vẫn không đồng ý vì cho rằng chính sách bồi thường của Nhà nước với diện tích đất bị thu hồi không thỏa đáng. “Đất trồng cây hàng năm của chúng tôi chỉ được bồi thường 14.400 đồng/m2; chính sách hỗ trợ 12.000 đồng/m2 là quá thấp. Đối với giếng nước chỉ bồi thường 4 triệu đồng/m2 cũng không đúng với chi phí thực tế bỏ ra. Chúng tôi yêu cầu phải bồi thường thỏa đáng hoặc cấp lại đất sản xuất cho chúng tôi ở nơi khác, nếu không chúng tôi không còn đất sản xuất”, ông Mang Hám nói.

Phần đất trồng cây lâu năm của hộ bà Điếu bị cưỡng chế thu hồi.

Với những khúc mắc đó, các hộ đã làm đơn khiếu nại gửi đến UBND TP. Cam Ranh. Ngày 2-11-2016, các hộ tiếp tục làm đơn khiếu nại vượt cấp gửi lên UBND tỉnh, song sau đó tỉnh giao về cho TP. Cam Ranh xử lý. Đến cuối tháng 11-2016, UBND thành phố đã đối thoại trực tiếp với các hộ có đơn khiếu nại. Tại buổi đối thoại, 2 bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Ngày 11-12-2017, UBND TP. Cam Ranh đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với 4 hộ có đơn khiếu nại nói trên.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thảo – Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây cho biết: “Việc khiếu nại của các hộ là không chính xác. Thực tế, giá bồi thường của Nhà nước là hoàn toàn phù hợp với quy định về đất đai. Đất ở trên núi mà các hộ đòi áp giá đồng bằng là không được. Chúng tôi luôn quan tâm đến quyền lợi của người bị thu hồi đất, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nhưng vẫn phải theo quy định của pháp luật”. Theo ông Thảo, dự án này hiện nay được giao cho Công ty Cổ phần Điện mặt trời Tuấn Ân thực hiện. Ngoài số tiền đền bù theo quy định, doanh nghiệp đầu tư dự án cũng có những chính sách hỗ trợ khác đối với người có đất bị thu hồi.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho rằng, tuy đây là dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, nhưng thuộc danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng năm 2016 trên địa bàn tỉnh do Nhà nước đứng ra thu hồi. Đối với giá bồi thường đất, cây trồng và vật kiến trúc, UBND TP. Cam Ranh đã áp dụng đúng theo Điều 74 Luật Đất đai năm 2013, cũng như các quyết định liên quan đến quy định bồi thường của UBND tỉnh. Đối với vấn đề thiếu đất sản xuất, ông Sơn cho biết: “Người dân khiếu nại không còn đất sản xuất là chưa chính xác. Ngày 2-8-2017, UBND thành phố đã có buổi đối thoại với người dân và vận động, đề nghị người dân nếu có nhu cầu bồi thường bằng đất thì đăng ký để lập hồ sơ hoán đổi theo quy định. Tuy nhiên, không có hộ nào đồng ý. Thực tế qua báo cáo của xã Cam Thịnh Tây, các hộ có đơn khiếu nại, ngoài diện tích đất đã thu hồi vẫn còn đủ diện tích đất để ở và sản xuất. Cụ thể, hộ ông Mang Lánh còn hơn 1,4ha; hộ bà Sanh hơn 1,1ha; hộ ông Hám hơn 1,2ha và hộ bà Điếu còn khoảng 1,5ha”.

Điều đáng nói, tuy UBND TP. Cam Ranh đã giải thích khá rõ ràng, nhưng các hộ có đất bị thu hồi vẫn không đồng tình. Ông Mang Xrai (con trai bà Điếu) kiến nghị: “Đúng là hiện nay chúng tôi vẫn còn đất sản xuất, nhưng sắp tới nếu một dự án điện mặt trời khác thực hiện thì chúng tôi sẽ bị thu hồi hết đất. Do đó, chúng tôi đề nghị chính quyền xem xét hoán đổi đất sản xuất ổn định cho chúng tôi, tránh tình trạng hoán đổi đất nằm trong vùng quy hoạch như trước đây”.

Đình Lâm
 

Theo: Báo Khánh Hòa