Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Ngôi trường của tình hữu nghị Việt – Hàn

Ở thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) có một mái trường được xây bằng tình hữu nghị của hai nước Việt Nam – Hàn Quốc mang tên Trường Tiểu học (TH) Khánh Hòa – Jeju. Gần 10 năm qua, những chuyến bay nối liền hai đất nước đã đưa các thầy cô giáo, học sinh (HS) của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Jeju (Hàn Quốc) qua lại giao lưu, học hỏi, tìm hiểu về nền văn hóa, giáo dục của hai nước.


Kết nghĩa xuyên biên giới


Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi đến thăm Trường TH Khánh Hòa – Jeju. Ấn tượng đầu tiên là mái trường khang trang, sạch đẹp, đầy đủ các phòng học, phòng ăn, sân chơi cho HS… được xây dựng lên giữa xung quanh là màu xanh của núi đồi, nương rẫy. Nổi bật ở giữa sân trường là phiến đá khắc tên trường bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Hàn Quốc, 2 lá cờ tươi thắm của hai đất nước bay phấp phới. Những năm qua, đây là nơi ghi nhận nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu thắm tình hữu nghị giữa thầy cô, HS hai đất nước.



Thầy cô, học sinh ở Jeju (Hàn Quốc) và Trường Tiểu học Khánh Hòa – Jeju chụp ảnh kỷ niệm.


Là người gắn bó với trường từ những ngày đầu thành lập, cô Võ Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường TH Khánh Hòa – Jeju chia sẻ, vào ngày 29-2-2012, sau lễ cắt băng khánh thành trường, lãnh đạo Trường TH Khánh Hòa – Jeju và Trường TH Halla (tỉnh Jeju) đã ký bản ghi nhớ kết nghĩa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, dạy và học. Hàng năm, cán bộ, giáo viên và HS hai trường thường xuyên qua lại tham quan, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp dạy học tích cực cũng như tìm hiểu về văn hóa, giáo dục của hai đất nước. Các em HS Trường TH Khánh Hòa – Jeju được chọn để đi qua Hàn Quốc giao lưu là những HS có thành tích học tập tốt, chăm ngoan, lễ phép; mỗi đợt đi sẽ có 10 HS và 3 giáo viên. Và xen kẽ từng năm, thầy cô, phụ huynh, HS ở Hàn Quốc cũng sẽ qua Việt Nam để giao lưu.



Học sinh ở Jeju (Hàn Quốc) tại lớp học Trường Tiểu học Khánh Hòa – Jeju.


Cô Hương chia sẻ với chúng tôi kỷ niệm vui rằng, những năm đầu thành lập trường, nghe tin con mình được chọn để đi qua Hàn Quốc học tập, giao lưu, phụ huynh HS nơi đây nhất quyết không cho đi vì sợ… sẽ “mất con”. Lãnh đạo nhà trường phải tổ chức họp phụ huynh để thuyết phục và ký cam kết với phụ huynh đảm bảo các HS quay về an toàn, cha mẹ các em mới đồng ý cho đi. Từ Việt Nam sang tỉnh Jeju, thầy cô và HS Trường TH Khánh Hòa – Jeju trải qua 2 chặng bay, xuất phát từ sân bay Cam Ranh, với điểm dừng giữa chặng là Seoul (Hàn Quốc), ở lại trong 3 – 4 ngày; toàn bộ kinh phí đều do phía Hàn Quốc tài trợ.


Trong ngôi nhà nhỏ của cô học trò Mấu Thị Bích Trâm, nay đã là HS lớp 9, Trường THCS A.Yersin (huyện Cam Lâm) vẫn còn giữ lại những hình ảnh lần đầu tiên được đi bằng máy bay qua Hàn Quốc để giao lưu cùng các bạn HS Trường TH Halla. Thời điểm đó là năm 2017, Trâm còn học lớp 4 tại Trường TH Khánh Hòa – Jeju. Tuổi thơ của Trâm là những tháng ngày theo ba mẹ lên nương rẫy để trồng mì, trồng bắp… nên chuyến đi qua Hàn Quốc năm học lớp 4 là lần đầu Trâm được đi máy bay đến một đất nước xa xôi. Trâm chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Jeju, mọi thứ đều xa lạ và bất ngờ với em; điều đầu tiên em cảm nhận được là thành phố sạch đẹp và hiện đại, nhiều cảnh đẹp chưa bao giờ em được thấy. Trường học, lớp học, sân chơi ở Jeju rất rộng, các bạn HS ở đây tự tin và năng động hơn bọn em rất nhiều. Qua người phiên dịch, chúng em được các bạn HS ở Jeju làm hướng dẫn viên đi tham quan trường, giao lưu các trò chơi và đi tham quan các điểm di tích, thắng cảnh ở Jeju”. Bạn Mang Thành Danh, nay đã là HS lớp 10 Trường THPT Đoàn Thị Điểm (huyện Cam Lâm), từng tham gia chuyến giao lưu ở Jeju năm 2017 chia sẻ: “Tuy khác biệt về ngôn ngữ nhưng các bạn HS Hàn Quốc rất vui vẻ, chủ động và hòa đồng, đã giúp chúng em bỏ đi những rụt rè ban đầu. Thời gian giao lưu tuy rất ngắn nhưng qua chuyến đi này, để lại cho em nhiều kỷ niệm ý nghĩa, giúp em biết được thêm nhiều điều, tự tin giao tiếp hơn nhiều sau chuyến đi”.


Cô Hương cho biết: “Qua Jeju, chúng tôi ấn tượng với hệ thống giáo dục rất hiện đại ở Hàn Quốc. Quỹ đất dành cho việc xây dựng trường học rộng lớn, được chia thành các khu vực, sắp xếp khoa học như phòng học tập, khu vui chơi, tập thể dục, ăn uống… đặc biệt yên tĩnh, không gây ồn ào, ảnh hưởng đến học tập của HS”. 


Cầu nối hữu nghị 


Từ thời điểm thành lập Trường TH Khánh Hòa – JeJu đến nay đã gần 10 năm trôi qua, những thầy cô, HS, phụ huynh ở xứ sở kim chi đã nhiều lần có mặt tại lớp học của Trường TH Khánh Hòa – Jeju để giao lưu cùng HS Việt Nam. 



Trường TH Khánh Hòa – JeJu.


Trong một chuyến thăm Trường TH Khánh Hòa – Jeju, ông Woo Geun Min – Tỉnh trưởng tỉnh JeJu đã chia sẻ rằng, ông và những người trong đoàn rất vui mừng khi nhìn thấy tên tỉnh Jeju được gắn ở bảng tên của một trường TH tại Việt Nam. Trường TH Khánh Hòa – Jeju được Hiệp hội Kỷ niệm Kim Man Duck (tên một nghĩa sĩ được người dân Hàn Quốc xem là một biểu tượng của sự sẻ chia, đầy tình yêu thương bao la) đầu tư xây dựng và tặng. Ông Woo Geun Min mong các em HS học theo tinh thần nghĩa sĩ Kim Man Duck biết chia sẻ, giúp đỡ người khác trong học tập, trong cuộc sống; mong tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng gắn bó khăng khít hơn. Ông cũng hi vọng HS của trường trưởng thành và là những nhân tài trong tương lai, góp phần nhỏ bé của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Các em HS của Trường TH Khánh Hòa – Jeju là cầu nối tình hữu nghị, hợp tác giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Jeju trong hiện tại cũng như tương lai.


Cô Hương chia sẻ thêm, với đặc thù HS 100% là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, những năm qua, không chỉ riêng phía đất nước Hàn Quốc, nhà trường còn nhận được rất nhiều tình cảm, sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức như: UBND tỉnh, UBMTTQ huyện Cam Lâm, Báo Khánh Hòa, Trường Đại học Nha Trang… Các cơ quan, đơn vị đã nhiều lần tặng học bổng, vở, đồng phục cho HS (chỉ tính từ tháng 5-2020 đến nay, số tiền trường được hỗ trợ gần 120 triệu đồng).


Ông Võ Bá Phụng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lâm cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 trường thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu xét về hiệu quả công tác giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì Trường TH Khánh Hòa – Jeju là đơn vị tốt nhất trên địa bàn huyện. Chất lượng HS của trường tiến bộ rõ rệt qua từng năm; đa số HS của trường tham dự các cuộc thi năng khiếu, phong trào viết chữ đẹp, cùng các hoạt động giáo dục khác của huyện đều đạt được kết quả cao… Về mặt an sinh xã hội, trường được các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh rất quan tâm. HS của trường còn được UBND tỉnh hỗ trợ tiền ăn trưa, các tổ chức xã hội đầu tư thêm về cơ sở vật chất như bếp ăn, sân chơi… qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho các em HS học tập và trưởng thành. 




Trường TH Khánh Hòa – JeJu được thành lập vào ngày 29-2-2012, được tách ra từ Trường Tiểu học Suối Cát, với đặc thù 100% HS là người đồng bào dân tộc thiểu số Raglai của 3 thôn Suối Lau (Suối Lau 1, Suối Lau 2, Suối Lau 3), xã Suối Cát. Trường TH Khánh Hòa – JeJu được Hiệp hội Kỷ niệm Kim Man Duck (Hàn Quốc) tài trợ xây dựng theo tiêu chuẩn của trường TH đạt chuẩn quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 9,3 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ tháng 5-2011 và hoàn thành vào tháng 12-2011 với 8 phòng học, 2 phòng nghệ thuật, 1 sảnh đa năng và khối phòng hành chính. Tổng diện tích xây dựng trên 1.760m2. Hiện nay, trường có hơn 277 HS đang học tập tại 10 lớp; 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên.





Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202111/ngoi-truong-cua-tinh-huu-nghi-viet-han-8233850/