Nghệ sĩ Thanh Dương đến cuộc hẹn đúng giờ, ngoài đời, Táo Năng lượng khá trẻ trung và nói chuyện rất thú vị…

Nghệ sĩ dễ nổi tiếng đấy nhưng cũng dễ ăn “trái đắng”

 Là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng Thanh Dương lại khá giản dị thậm chí xuề xòa ở ngoài đời. Lẽ ra, anh phải học tập nhiều người xây dựng cho mình hình ảnh “ngôi sao”, giàu có, sang chảnh để dễ làm nghề chứ?

– Mọi người cứ nghĩ, nghệ sĩ thì phải “sao số”, kiêu kỳ, nhưng tôi cho rằng, mình cũng như mọi người thôi. Nghề diễn viên cũng như nghề bác sĩ, giáo viên… đều có những đặc thù công việc của mình vì thế có gì mà phải “lên mặt”, vênh vang.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Thanh Dương cho biết, mình càng dễ gần thì càng được yêu mến (Ảnh: Toàn Vũ).

Khán giả tiếp xúc với Thanh Dương cũng thấy tôi rất thoải mái. Mình càng dễ gần thì càng được yêu mến. Tôi thấy có nhiều nghệ sĩ tổ chức họp báo, đi sự kiện cũng đem theo vệ sĩ khiến nhiều người chú ý. Cái này chắc để oai chăng? Thôi thì tôi cứ bình dân vậy thôi.

Anh có nhiều năm sống và học tập ở Nha Trang, vì sao anh lại trở về Hà Nội?

– Tuổi thơ của tôi dữ dội đấy, cấp 1 học ở Hà Nội, cấp 2 ở Vĩnh Long, cấp 3 ở Nha Trang.

Năm 1977, tôi và mẹ vào Vĩnh Long cùng bố là đạo diễn Hoàng Thanh Giang, ông được điều vào để tăng cường cán bộ văn hóa cho các tỉnh phía Nam. Sau đó, bố tôi được điều về Nha Trang, tôi và mẹ lại theo đi cùng. Gia đình tôi ở thành phố biển này từ năm 1983-1989.

Thanh Dương đã có thời gian ở Nha Trang nhưng vì yêu Hà Nội anh lại “khăn gói” trở lại (Ảnh: Toàn Vũ).

Sau khi tốt nghiệp trường văn hóa nghệ thuật ở Nha Trang, tôi vào làm việc ở Đoàn kịch trẻ Khánh Hòa. Vào đó lâu, nhưng tôi vẫn giữ giọng Bắc, đoàn thường chia 2 kíp: Một kíp nói giọng Nam và 1 kíp nói giọng Bắc. Làm nghệ thuật thì thấy thú vị nhưng tôi vẫn đau đáu hướng về Hà Nội.

Bố tôi bảo, kịch nói phải ở miền Bắc mới phát triển được nên tôi đã quyết tâm về Thủ đô. Hồi mới về Hà Nội, tôi mới 20 tuổi nên cũng hoang mang lắm, chưa biết bắt đầu từ đâu, tôi cũng thử thi vào một số đơn vị nghệ thuật nhưng không được như ý. Sau đó thì biết được thông tin Nhà hát Tuổi trẻ đang chiêu sinh nên tôi ghi danh và trúng tuyển. Thanh Dương đã gắn bó ở Nhà hát Tuổi trẻ năm nay đã là 34 năm.

Người ta bảo, con nhà nòi thì rất may mắn khi được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ. Anh có thấy vậy không?

– Bố tôi là đạo diễn Hoàng Thanh Giang, ngày nhỏ, tôi thường theo ông đi xem kịch nên “máu” nghệ thuật ngấm từ nhỏ. Khi tôi nói muốn làm diễn viên, ông thích lắm. Hồi tôi học trường văn hóa nghệ thuật Khánh Hòa là bố trực tiếp dạy, chủ nhiệm luôn lớp diễn viên tôi học. Sau đó, bố mời thầy Đình Quang, Xuân Huyền, cô Kim Oanh… vào dạy.

Bố tôi có cách giảng dễ hiểu, thực tế. Ông truyền cho tôi tình yêu với nghệ thuật sân khấu.

Thanh Dương cho biết, bản thân may mắn được ngấm chất nghệ thuật từ nhỏ nên vào nghề rất tự nhiên (Ảnh: Toàn Vũ).

Bây giờ, bên nội nhà tôi có tới 20 người đã và đang làm nghệ thuật nên mỗi lần tụ họp thì rất đông vui và đầm ấm. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, nghề đã chọn mình nên luôn nỗ lực làm việc.

Ngoài diễn trên sân khấu, Thanh Dương còn được chú ý khi làm phim hài, có bao giờ anh nghĩ, khuôn mặt mình có thể gây cười với khán giả như ở Gặp nhau cuối tuần?

– Thú thực, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm được hài. Ngày đó, Nhà hát Tuổi trẻ tách làm 2 đoàn, một bên là do nghệ sĩ Anh Tú phụ trách thiên về chính kịch, bên kia là do nghệ sĩ Chí Trung trưởng đoàn chuyên là về hài kịch, tôi ở đoàn này.

Thanh Dương cho biết, anh không rõ vì sao các đạo diễn lại chọn anh cho các vai hài tếu táo dù mặt anh rất nghiêm túc (Ảnh: Toàn Vũ).

Hồi đó, NSND Lê Hùng có nghĩ ra loạt tiểu phẩm Đời cười 1, 2, 3… chúng tôi được diễn hài kịch trên sân khấu nhiều năm. NSND Khải Hưng và đạo diễn Đỗ Thanh Hải hay đến Nhà hát để xem. Sau đó, các diễn viên của Nhà hát được mời tham gia các chương trình hài của Đài truyền hình Việt Nam, trong đó có tôi. Cái tên Thanh Dương, Tú “cháo lòng”… được nhiều người biết đến hơn từ các chương trình này.

So với nghệ sĩ cùng thời thì Thanh Dương khá kín đáo và dường như không mặn mà với sự nổi tiếng lắm?

– Có lẽ đó cũng là do tính cách của tôi nữa. Tôi luôn muốn cuộc sống đơn giản, bình yên. Nói thật, tôi sợ thị phi, nên mặc dù có dùng mạng xã hội nhưng tôi không viết gì, chia sẻ gì vì biết được mặt trái của thời công nghệ 4.0. Nghệ sĩ dễ nổi tiếng đấy nhưng cũng dễ ăn “trái đắng” lắm.

Sự nổi tiếng theo nghệ sĩ Thanh Dương là con dao 2 lưỡi (Ảnh: Toàn Vũ).

Tôi cũng muốn bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình nên thời gian vừa qua, tôi đã tham gia vở kịch Bộ cảnh phục, với vai diễn trùm ma túy. Lúc đầu anh Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát giao vai, tôi lo lắm, vì mình toàn làm hài, giờ lại làm vai phản diện, không biết sẽ thế nào. May mắn là vai diễn này đạt Huy chương vàng tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ CAND lần IV.

Với 34 năm làm việc ở Nhà hát Tuổi trẻ, theo anh sân khấu kịch cần điều gì để kéo khán giả đến rạp?

– Sân khấu đang thiếu nhất là kịch bản. Để tìm một kịch bản hay, sát với đời sống hiện nay rất khó. Kịch bản hay thì sẽ có nhiều tác phẩm hay. Như Nhà hát Tuổi trẻ đang cần những kịch bản có hơi hướng gắn liền với người trẻ, thanh thiếu niên.

Gần đây, Thanh Dương thử sức cả với những vai phản diện (Ảnh: Toàn Vũ).

Những vở cũ mà dựng lại thì thấy nhàm chán, vở mới thì phải có kịch bản hay, nên chúng tôi mong mỏi được diễn những tác phẩm đặc sắc, mang hơi thở thời đại.

Người ta nói, nghệ sĩ chỉ đi diễn thì khó đảm bảo cuộc sống, anh có nghề tay trái hay kinh doanh thêm gì không?

– Tôi chỉ đi diễn mà không có nghề tay trái. Các cụ hay nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, dù cuộc sống không dư giả nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình bỏ nghề hay kinh doanh thêm. Một vài lần, có người bạn bảo tôi chỉ cần đứng tên ở một nhà hàng, quán bia, mỗi tháng họ sẽ trả lương nhưng tôi không đồng ý.

Tôi không hiểu biết nhiều về việc kinh doanh, lại “bán tên” như thế thì không ổn. Thôi tôi chấp nhận tiêu ít đi một chút mà không “bán gan” khi đứng ở quán bia rồi khách nào vào cũng uống cùng thì chịu sao nổi?

Tết 2023 vừa qua, Thanh Dương vào vai Táo Năng lượng trong Gặp nhau cuối năm. Là thành viên trong ê kíp nghệ sĩ, anh nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, nên dừng chương trình Táo quân?

– Tập Táo quân là khoảng thời gian vui nhất của chúng tôi. Tuy có thức đêm ở thời tiết lạnh nhiều ngày, vất vả đến sáng nhưng anh em gặp nhau thì nói cười vui vẻ. 

Trên màn ảnh là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng khi về nhà Thanh Dương lại giỏi cả việc bếp núc (Ảnh: Toàn Vũ).

Làm diễn viên là nghề “làm dâu trăm họ”, tôi cho rằng, nghệ thuật là vườn hoa muôn sắc, người thấy đẹp, người thấy chưa hay. Có những năm không có Táo quân thì khán giả nói thấy thiếu và mong chờ nhưng khi có chương trình thì lại “buông lời cay đắng”. Tôi mong khán giả hãy nghĩ rằng, đó là một chương trình vui tươi, một nét chấm phá cho ngày Tết, các nghệ sĩ đã rất cố gắng để làm chương trình này nên rất cần những lời động viên của mọi người.

Tôi tin rằng, ê kíp sẽ có những lựa chọn hợp lý để dừng chương trình hay tiếp tục năm tới.

Trước khi lấy vợ, tôi là người đào hoa

 Thanh Dương nổi tiếng bởi chuyện yêu và lấy học trò của mình, chuyện đó như thế nào anh nhỉ?

– Thời thanh niên ở Nha Trang, tôi đã học khiêu vũ chuyên nghiệp, từng thi và đạt giải Đôi giày vàng ở Liên hoan những đôi nhảy đẹp toàn quốc năm 1988.

Sau khi ra Hà Nội, tôi và nghệ sĩ Quốc Tuấn (phim Người vác tù và hàng tổng – PV) cùng vào Nhà hát Tuổi trẻ một ngày nên chơi khá thân với nhau. Anh Quốc Tuấn thích khiêu vũ nên bảo tôi “mày dạy anh nhảy đi”, thế là hàng ngày tôi qua nhà anh ấy để dạy nhảy. 

Tự nhận mình là người đào hoa tuy nhiên sau khi kết hôn, Thanh Dương toàn tâm toàn ý lo cho gia đình nhỏ (Ảnh: Toàn Vũ).

Mà nhảy thì phải có đôi có cặp nên anh Quốc Tuấn nhờ em gái tìm thêm một bạn nhảy nữa để có hai cặp khiêu vũ. Bà xã tôi chính là bạn của em gái anh Quốc Tuấn. Tôi và cô ấy hàng ngày gặp gỡ, tiếp xúc, nên chúng tôi nảy sinh tình cảm lúc nào không hay.

Chuyện tình cảm của anh chị có gặp sóng gió trước khi cưới nhau không?

– Hồi đó, tôi khá đẹp trai, lại có tài khiêu vũ nên nhiều cô thích lắm (cười). Ai mà được nhảy với Thanh Dương thì rất thích. Hà Nội thời đó chưa có nhiều người nhảy khiêu vũ và nhảy chuyên nghiệp lại càng hiếm. Tôi và bà xã yêu nhau cũng tự nhiên, cảm mến rồi hẹn hò nhau.

Yêu nhau là vậy nhưng khi đặt vấn đề cưới xin, phía bên nhà bà xã không đồng ý vì tôi là… diễn viên. Mọi người sợ lấy nghệ sĩ sẽ vất vả, rồi sợ có chung thủy với con gái mình không? Tuy nhiên chúng tôi đã kiên trì thuyết phục, nhà ngoại cũng nhìn cách sống của tôi mà thay đổi cách nhìn nhận. Khoảng 3 năm sau khi quen nhau, chúng tôi làm đám cưới.

Lúc lấy nhau về vợ chồng anh có gặp nhiều vất vả không? Chị ấy có phải là người hay ghen không khi anh gặp nhiều bạn diễn nữ?

– Khi tôi ở Nha Trang về Hà Nội là bố mẹ tôi cũng theo về cùng, vì thế chúng tôi lấy nhau về thì ở chung với bố mẹ. Thời đó, ai cũng vất vả chuyện “cơm áo gạo tiền” nên tôi cũng không để ý hai vợ chồng đã vượt qua như thế nào. Chỉ biết tôi là diễn viên, vợ làm ở một cửa hàng đồng hồ mà vẫn nuôi được hai cậu con trai khôn lớn. Giờ nghĩ lại thấy cả hai vợ chồng cũng giỏi thật.

Thanh Dương chia sẻ hình ảnh của mình và vợ hồi trẻ (Ảnh: Toàn Vũ).

Là phụ nữ thì có ai không ghen đâu, cô ấy có cũng có ghen tí chút nhưng vì là vợ nghệ sĩ nên lâu dần cũng hiểu được công việc của chồng. Trước khi lấy vợ, tôi là người đào hoa đấy, nhưng khi lập gia đình thì tôi chuẩn chỉ, chỉ biết lo cho cuộc sống gia đình.

Vợ chồng anh ở chung với bố mẹ thì có chuyện “mẹ chồng nàng dâu” như người ta thường nói không?

– Vợ tôi và mẹ không xô xát với nhau bao giờ, không có chuyện “mẹ chồng nàng dâu” vì cô ấy rất khéo. Nói chung gia đình tôi bình yên.

Với chồng thì thi thoảng cô ấy cũng giận dỗi đấy nhưng không thể giận lâu được vì tôi là người tếu táo, hay đùa nên làm hòa nhanh lắm. Hôn nhân quan trọng nhất là chân thành và biết nhịn nhau, nếu một người nóng thì người kia nên hạ “nhiệt” thì sẽ tránh mâu thuẫn với nhau. May mắn là chúng tôi cũng biết cách sống hòa thuận, hai vợ chồng vừa kỷ niệm 30 ngày cưới nhau.

Người ta bảo, phụ nữ khéo léo trong giao tiếp thì nấu ăn rất ngon, vợ anh có phải là người như vậy?

– Cô ấy lại nấu ăn bình thường, ở nhà, tôi mới là người nấu ăn ngon nhất. Tôi thường xuyên đi chợ, nấu ăn cho gia đình. Con trai út của tôi sinh năm 2008 giờ lại giống bố, cũng thích nấu ăn và nấu cũng khá ngon. Nếu phải đi diễn, vợ tôi sẽ để con trai ở nhà tập làm những món con yêu thích.

Bố mẹ vợ tôi làm kinh doanh phở, thi thoảng sang bên ngoại, tôi lại học lỏm được bí quyết nấu phở Nam Định. So với các anh con trai nhà bên vợ, tôi lại là người nấu phở ngon nhất, có thể tôi hay để ý nên nấu đúng ý ông bà. Ông ngoại cũng hay khen là tôi nấu phở ngon.

Được biết, nghệ sĩ Thanh Dương đã lên chức ông nội, gia đình anh có phải là gia đình tứ đại đồng đường?

– Con trai đầu sinh năm 1994 của tôi đã lấy vợ. Sau đám cưới, vợ chồng tôi đã mua cho vợ chồng con một căn nhà để các con ở riêng. Nhà tôi hiện tại chỉ có mẹ, vợ chồng tôi và con trai út.

Thanh Dương cho biết, dù bận rộn nhưng đến giờ cơm anh vẫn sắp xếp về nhà vào bếp nấu ăn cho người mẹ 90 tuổi (Ảnh: Toàn Vũ).

Tuy thế nhưng tôi cũng khá vất vả vì bà nội các cháu đã gần 90 tuổi, không đi lại được nên cần người hỗ trợ thường xuyên. Bà lại thích món ăn tôi nấu nên nếu có đến Nhà hát tập, đến trưa tôi lại về nhà lo cơm nước cho bà. Thi thoảng tôi bận, anh chị em cũng sang nhà để hỗ trợ vợ chồng tôi chăm mẹ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nội dung: Phương Bảo

Ảnh: Toàn Vũ

03/04/2023

Theo: Dân Trí

Nguồn: https://dantri.com.vn/van-hoa/nghe-si-thanh-duong-yeu-va-cuoi-hoc-tro-ke-chuyen-nau-pho-ngon-nhu-bo-vo-20230330114318684.htm