Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Ngành Y tế: Nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng. Tuy nhiên, một số bệnh dịch vẫn chưa được khống chế tốt, tăng cao so với cùng kỳ; một số hoạt động của ngành còn gặp vướng mắc, khó khăn.

Ứng dụng nhiều kỹ thuật mới

Cuối tháng 5, dựa trên nền tảng tiếp nhận và đã triển khai tốt các kỹ thuật vi phẫu tạo hình do bệnh viện (BV) tuyến Trung ương chuyển giao, Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng, BV Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công phẫu thuật che phủ da dương vật cho bệnh nhân (BN) N.M.T (29 tuổi, trú TP. Nha Trang). Kỹ thuật này trước đó chỉ mới ghi nhận 1 trường hợp do Viện Bỏng quốc gia thực hiện.

Thực hiện ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trong tháng 6, thông qua việc tiếp nhận các kỹ thuật từ tuyến trên, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, BV Đa khoa tỉnh đã mổ thành công, lấy các khối u ở não cho BN Lê Thị R. (60 tuổi, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang). Sau mổ, sức khỏe của BN ổn định, các triệu chứng đau đầu giảm đáng kể. Khoa Phụ sản của BV đã triển khai thành công 2 kỹ thuật điều trị bệnh lý sa sinh dục ở phụ nữ bằng mảnh ghép tổng hợp và phẫu thuật nội soi điều trị cho BN ung thư cổ tử cung… Bên cạnh đó, BV còn triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới ở chuyên ngành răng hàm mặt, tai mũi họng, phẫu thuật tim hở, tim mạch can thiệp, cột sống.

Tiếp nhận các kỹ thuật từ tuyến tỉnh, một số BV tuyến huyện triển khai thành công phẫu thuật longo trong điều trị bệnh trĩ, mổ đục thủy tinh thể; cấp cứu trong và ngoại viện…

Bên cạnh thực hiện tốt công tác điều trị, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch và đạt được một số kết quả nhất định. Một số bệnh lây qua đường hô hấp giảm so với cùng kỳ năm trước như: thủy đậu giảm 41,8%, quai bị giảm gần 60%, viêm gan vi rút giảm 38,6%. Các bệnh mới nổi, tái nổi như: cúm A/H5H1, H7N9, MerSCoV, các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A như: tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch… không xảy ra.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, thời gian qua, một số bệnh dịch như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan vẫn chưa được khống chế, còn tăng cao so với cùng kỳ. Theo đó, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận hơn 6.550 ca mắc, tăng gấp 5,5 lần, 1 ca tử vong; hơn 700 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp đôi. Đặc biệt là bệnh sởi, toàn tỉnh ghi nhận 735 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng gấp 11 lần so với năm có dịch sởi gần nhất (năm 2014 với 60 ca), trong đó có 416 trường hợp dương tính với bệnh sởi. 8 huyện, thị xã, thành phố và 75% số xã, phường ghi nhận ca sốt phát ban nghi sởi, TP. Nha Trang có số ca mắc cao nhất, chiếm 52% số ca mắc trong toàn tỉnh.

Tại hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, đại diện các cơ sở y tế cho biết, hoạt động của ngành hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc, dẫn tới khó thực hiện được các quy định, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

6 tháng qua, ngành Y tế đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Theo đó, toàn ngành đã khám bệnh cho hơn 1,9 triệu lượt người, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; điều trị nội trú cho hơn 126.400 lượt BN, tăng 6%; tiến hành phẫu thuật gần 13.000 lượt, tăng 2,5%; đảm bảo 7,4 bác sĩ/10.000 dân, 29 giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi và thể thấp còi đều dưới 10%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,3%.

Cụ thể, toàn ngành khó có thể triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử vào năm 2019 theo quy định của Bộ Y tế. Bởi hiện nay, để triển khai được cần có nguồn kinh phí lớn nhưng Bộ Y tế chưa tính chi phí quản lý phần mềm bệnh án điện tử vào giá dịch vụ y tế, trong khi chi phí dành cho hoạt động này rất cao. Bác sĩ Phan Hữu Chính – Giám đốc BV Đa khoa tỉnh cho biết: “Nếu BV triển khai bệnh án điện tử thì ở BV có khoảng 600 người phải đăng ký chữ ký điện tử. Hiện nay, các công ty công nghệ thông tin hiện đang chào hàng một chữ ký điện tử là 1,5 triệu đồng/năm, tương đương 1,2 tỷ đồng, cộng thêm chi phí quản lý phần mềm bệnh án điện tử có thể đội lên 4 tỷ đồng/năm. BV đang thực hiện tự thu, tự chi nên không biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để chi trả”.  

Bên cạnh đó, vấn đề giao dự toán và quyết toán bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều bất cập; nhân lực ở một số cơ sở còn thiếu nên việc phân công cán bộ luân phiên chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới còn khó khăn. Hàng năm, chỉ tiêu giường bệnh tăng nhưng gần 6 năm nay, UBND tỉnh không giao tăng số người làm việc, đặc biệt là số lượng cán bộ làm công tác chuyên môn trực tiếp khám, chữa bệnh, gây khó khăn cho các đơn vị. Ngoài ra, ngành Y tế có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh nhưng kinh phí hỗ trợ mua sắm trang thiết bị y tế, sửa chữa hàng năm quá thấp…

Bác sĩ Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế kiến nghị: “Để các hoạt động của ngành đạt hiệu quả hơn, UBND, HĐND tỉnh sớm giải quyết những khó khăn trên. Bên cạnh đó, Bộ Y tế nên nghiên cứu và thống nhất việc sử dụng chung một phần mềm trong quản lý ngành Y tế; việc xây dựng các thông tư, văn bản liên quan đến công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cần có lộ trình và phù hợp với tình hình thực tế”.

C.ĐAN
 

Theo: Báo Khánh Hòa