Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Ngành Y tế: Chủ động phòng, chống dịch

Trong 2 ngày 4 và 5-11, tại tất cả các cơ sở y tế trên toàn tỉnh đều cắt cử người trực 24/24 giờ. Công tác cấp cứu và điều trị đều được thực hiện kịp thời. Hiện nay, các đơn vị y tế trên toàn tỉnh đã và đang chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh sau bão.

Nhiều người bị thương do bão

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết, ngoài lực lượng trực theo quy định, trong ngày 4-11, BV đã huy động thêm 8 bác sĩ tham gia trực tại Khoa Cấp cứu của BV. Trong ngày 4-11, BV tiếp nhận 107 bệnh nhân (BN) bị thương do thiên tai như: cây đè, trúng mái tôn, trúng kính vỡ, 15 ca bị tai nạn giao thông. Trong đó, có nhiều ca nặng được chuyển về các khoa để điều trị tiếp.

Đến sáng 5-11, số lượng BN nhập viện đã giảm, các ca nhập viện trong tình trạng nhẹ hơn, chủ yếu bị tai nạn trong lúc sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp cây cối sau bão. Ông Vũ Văn Đoàn (phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) đang nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu cho biết: “Sáng nay, tôi lên Trường THCS Trần Nhật Duật dọn dẹp thì bị cây trong sân trường ngã, đổ đè vào người. Vào đây, bác sĩ chẩn đoán bị gãy xương bánh chè, bị thương nhẹ sau vai”.

Tại BVĐK khu vực Ninh Hòa – địa phương bị ảnh hưởng nặng của bão cũng trong tình trạng tương tự. Số BN bị thương do bão nhập viện rất đông. BV phải huy động thêm 20 bác sĩ ở các khoa, phòng khác tập trung tại Khoa Cấp cứu để tham gia điều trị. Trong ngày 4-11, BV tiếp nhận hơn 100 ca, hầu hết các ca bị thương do sập nhà, tôn bay trúng, cây đè… Trong đó, có 7 ca bị nặng phải chuyển vào BVĐK tỉnh. Đến chiều 5-11, BV tiếp nhận thêm hơn 30 ca, phần lớn là thương tích nhẹ do dọn dẹp nhà.

Bác sĩ Trương Phước An – Giám đốc BVĐK khu vực Ninh Hòa cho biết, do đã dự trù đầy đủ cơ số thuốc, chuẩn bị đầy đủ nhân lực nên khi BN nhập viện đông, BV tiến hành cấp cứu, điều trị kịp thời, không có ca nào tử vong. Hiện nay, cây cối nhiều nơi trong BV gãy đổ, toàn bộ khu vực hành chính, khu đào tạo bị tốc mái, vỡ kính. Riêng các khu điều trị cho BN đều ổn, chỉ có tại Khoa Nhi, mái vòm, khung nhôm chống nắng bị sập ảnh hưởng đến lối đi, BV đã di dời các BN nhi về nằm tạm tại Khoa Khám bệnh và một số khoa khác. Bác sĩ An lo lắng: “Hiện nay, toàn thị xã Ninh Hòa bị mất nước, mất điện. Về điện thì BV có thể sử dụng máy phát điện dự phòng, riêng nguồn nước dự trữ tại BV chỉ có thể sử dụng trong 1, 2 ngày. Nếu nguồn nước không được cấp sớm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều trị của BV”.

Nhiều người bị tai nạn do bão được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Hiện nay, hầu hết các trạm y tế đều bị tốc mái, hư hại, điện, nước đều bị mất. Bác sĩ Trịnh Tiến  Khoa  – Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa cho biết, sau bão, nguy cơ về dịch bệnh có khả năng xảy ra trên toàn thị xã. Trung tâm đã cấp thuốc, hóa chất xử lý nước về các cơ sở y tế trên địa bàn để các địa phương chủ động triển khai phương án xử lý, phòng chống dịch bệnh.  

 
Theo lãnh đạo Phòng Y tế huyện Vạn Ninh, tình hình dịch bệnh sau bão đến nay vẫn trong tầm kiểm soát. Những địa phương có khả năng xảy ra dịch bệnh cao là các xã: Vạn Khánh, Vạn Phước, Vạn Long, Vạn Phú và thị trấn Vạn Giã. Ông Trần Công Hiền – Phó Trưởng phòng Y tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Trước bão, ngành Y tế huyện đã cấp phát thuốc cho 13 trạm y tế. Ngày 6-11, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận thêm các cơ số thuốc, hóa chất để triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh sau bão từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; huy động 100% nhân lực để triển khai biện pháp ngăn chặn dịch bệnh”.

Ông Nguyễn Thành Trung – Bí thư Đảng ủy xã Vạn Phước cho biết, trên địa bàn xã có 2 người chết, không có người bị thương. Trạm Y tế của xã bị tốc mái tôn và sập tường rào, tuy nhiên công tác khám bệnh, cấp cứu của trạm vẫn đảm bảo. Địa phương đã tổ chức kiểm tra, triển khai phòng, chống dịch bệnh sau bão, đây là việc cấp thiết hiện nay.

Hiện nay, lực lượng y tế dự phòng toàn tỉnh tích cực triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh sau bão. Bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, đơn vị đã thành lập 2 đội cơ động phòng, chống bão lụt, trực 24/24 giờ liên tiếp từ ngày 3-11 đến ngày 7-11; đã phân bổ 280kg Chloramin B về các huyện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; 80 cơ số thuốc cho các cơ sở y tế. Trung tâm đang yêu cầu các cơ sở y tế, nhất là các trạm y tế tuyên truyền trong cộng đồng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh nước, vệ sinh môi trường; tăng cường giám sát báo cáo kịp thời tình hình bệnh truyền nhiễm sau bão như: đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Đồng thời, xác định các vùng nguy cơ bùng phát dịch và có các biện pháp khống chế kịp thời. Sẵn sàng đủ nhân lực, cơ số thuốc điều trị và cấp cứu các trường hợp bị bệnh truyền nhiễm và tai nạn thương tích do mưa bão gây ra.

“Hiện tại, tại trung tâm đang dự trữ 20 cơ số thuốc và 210 kg Chloramion B, dự trù mua thêm 1.000kg Chloramion B, 10kg phèn chua. Các cơ số thuốc và hóa chất trên sẽ tiếp tục cấp cho các cơ sở y tế nhằm đảm tốt cho công tác phòng, chống dịch sau bão. Tuần này, trung tâm sẽ đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố”, bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai thông tin thêm.

Cát Thành

Theo: Báo Khánh Hòa