Do năm 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định tài chính – ngân sách giai đoạn 2022-2024 nên nhiệm vụ ngân sách nhà nước (NSNN) rất nặng nề. Do đó, ngay từ đầu năm, ngành Tài chính tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán.
Dự toán giao thu 12.015 tỷ đồng
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, năm 2021, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tổng thu NSNN vượt 2,6% dự toán, đảm bảo cân đối ngân sách, đặc biệt là cân đối từ các nguồn lực cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động tài chính – ngân sách vẫn còn một số tồn tại như: Nguồn thu của địa phương chưa thực sự bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào kinh doanh du lịch lữ hành, dịch vụ ăn uống; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của địa phương chưa cao do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và một số vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư; sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong công tác thẩm định giá vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, dẫn đến tiến độ giải ngân của một số dự án chậm, ảnh hưởng đến công tác thu NSNN. Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương trong công tác lập dự toán chưa cao; việc xây dựng dự toán chưa khoa học, chưa sát với nhiệm vụ chi nên việc chi chuyển nguồn, hủy dự toán còn cao.
Năm 2022, dự toán tổng thu NSNN được Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao là 12.015 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa 9.940 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 2.075 tỷ đồng). Chi ngân sách địa phương 10.628 tỷ đồng (trong đó, chi đầu tư phát triển 3.569 tỷ đồng; chi thường xuyên 6.855 tỷ đồng…).
Được biết, năm 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định tài chính – ngân sách giai đoạn 2022-2024 nên nhiệm vụ NSNN rất nặng nề. Việc triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế – xã hội đang trong giai đoạn “bình thường mới”, có những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp tài khóa
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2021 và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2022 ở mức cao nhất; đồng thời đảm bảo nguồn lực cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, các chế độ chính sách an sinh xã hội và chi công tác phòng, chống dịch Covid-19 đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là các cơ quan trong ngành Tài chính.
Ông Vĩnh Thông – Giám đốc Sở Tài chính cho biết, ngay từ những tháng đầu năm, các cấp chính quyền địa phương phải tập trung thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2022 của Chính phủ với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Bên cạnh đó, các cơ quan trong ngành Tài chính sẽ phối hợp quản lý chặt chẽ những khoản thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN, trong đó chú ý đến các nguồn thu tiềm năng như: Tài nguyên khoáng sản, thương mại điện tử, thuế nhà thầu nước ngoài ở dự án BOT Vân Phong, thuế liên quan đến dự án cao tốc Bắc Nam, công trình trọng điểm đường sắt Nha Trang – Sài Gòn… Các cơ quan trong Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh phối hợp tốt hơn để xác định thu tiền sử dụng đất, phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư công, có thêm nguồn thu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, các cơ quan tài chính tập trung xử lý nợ đọng thuế, đôn đốc thu nợ thuế, áp dụng biện pháp quản lý thuế, cưỡng chế thuế phù hợp; phải đưa ra giải pháp để bổ sung khai thác nguồn thu, nhất là tiền thuê đất, tiền sử dụng đất của các dự án. Các sở, ngành liên quan phải đôn đốc các chủ đầu tư triển khai những dự án đã bố trí vốn, nộp hồ sơ quyết toán dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng theo quy định ngay từ những tháng đầu năm…
Ngoài ra, cơ quan tài chính các cấp cần chủ động tham mưu UBND cùng cấp điều hành ngân sách năm 2022 theo dự toán đã được HĐND các cấp thông qua, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Trong quá trình điều hành ngân sách, cơ quan tài chính các cấp phải thường xuyên rà soát nhiệm vụ chi đã giao dự toán, trường hợp không thực hiện hoặc chậm triển khai phải tham mưu UBND cùng cấp điều chỉnh sang các nhiệm vụ chưa được bố trí dự toán; tiết kiệm các khoản chi, chủ động cân đối nguồn lực, xây dựng phương án khi có dịch bệnh, thiên tai và những nhiệm vụ chi cấp bách khác.
MAI HOÀNG