Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Ngành Giáo dục tỉnh: Tăng cường hội nhập

Những năm gần đây, tăng cường hội nhập quốc tế là một trong những vấn đề được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa quan tâm. Đây cũng là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Chú trọng kỹ năng giao tiếp

Môn ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng được đưa vào giảng dạy một cách có hệ thống từ cấp tiểu học đến cấp THPT; gần đây đã chú trọng hơn đến kỹ năng giao tiếp cơ bản theo các quy chuẩn quốc tế, khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của châu Âu dùng cho Việt Nam. Một số trường đã được quan tâm đầu tư hệ thống phòng học, trang bị các thiết bị dạy học môn ngoại ngữ, đặc biệt là các phòng chức năng, phòng bộ môn để phục vụ giảng dạy, học tập, nhờ đó chất lượng môn tiếng Anh đang dần được cải thiện và nâng cao.

Học sinh Trường iSchool Nha Trang trong giờ học ngoại ngữ.

Ngành GD-ĐT đang triển khai dạy chương trình tiếng Anh cấp THCS và THPT theo Đề án ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2018 – 2020 cho học sinh (HS) các lớp chất lượng cao ở khối 6 và 10 trong các trường phổ thông công lập. Đồng thời, tổ chức dạy chương trình song ngữ tiếng Anh cấp THCS và khối lớp 10 tại Trường THCS-THPT iSchool Nha Trang; tiếp tục dạy thí điểm song ngữ tiếng Anh đối với môn Toán cho các lớp chuyên Toán tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Sở cũng xây dựng Đề án thí điểm mời người nước ngoài vào giảng dạy tiếng Anh cho HS ở các cấp để nâng cao khả năng giao tiếp, nghe nói.

Nhằm tạo điều kiện để HS được thực hành nghe, nói ngoại ngữ, nhiều trường học đã tổ chức hiệu quả các hoạt động ngoại khóa với nội dung phong phú để HS giao tiếp như: thi hùng biện tiếng Anh, thi kể chuyện tiếng Anh… Qua các chương trình đó, HS, nhà trường đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng, đồng thời tuyên truyền chủ trương chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT. Sở GD-ĐT cũng phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh bồi dưỡng, tập huấn phương pháp giảng dạy, sử dụng công nghệ thông tin, ngôn ngữ sư phạm trong lớp học cho các cán bộ, giáo viên đã đạt chuẩn để phát triển thành đội ngũ nòng cốt cho việc thực hiện chương trình mới…

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho biết, từ năm 1994, sở đã mở Chương trình song ngữ Việt Pháp cấp tiểu học, THCS, THPT và tiếp tục duy trì đến nay tại 5 trường. Bên cạnh đó, hàng năm, Hội ABCDE (Tổ chức từ thiện với mục đích phát triển Văn hóa và Giáo dục) của sinh viên Cộng hòa Pháp và Viện Pháp tại Việt Nam đã đến Nha Trang vào mùa hè để giúp HS thực hành tiếng Pháp, phát triển kỹ năng giao tiếp với người bản xứ và tăng cường hiểu biết về văn hóa Pháp; đồng thời hỗ trợ việc giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Pháp tại các trường.

Sở GD-ĐT cũng có nhiều hoạt động hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Đại học Pháp ngữ, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự Pháp… Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi thường xuyên giao lưu, kết nghĩa với các đơn vị bạn và nhiều lần đón tiếp đoàn giáo viên, HS của Trường Charles Janssens, Trường PTTH Kerraoul (Cộng hòa Pháp) đến giao lưu; gửi HS sang học một năm lớp 10 tại Trường Benjamin Franklin thuộc tỉnh Morbihan (Cộng hòa Pháp). Còn Trường Tiểu học Khánh Hòa – JeJu, đơn vị kết nghĩa với Trường JeJu (Hàn Quốc) cũng cử HS sang Hàn Quốc để giao lưu với trường này. Trường Tiểu học Phước Tiến (Nha Trang) và Trường Tiểu học Footscray – Victoria (Melbourn, Úc) thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin hoạt động. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đang chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đề xuất xây dựng phương án ký kết quan hệ hợp tác giữa tỉnh Khánh Hòa và thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga) về một số lĩnh vực, trong đó có GD-ĐT…

Theo bà Hoàng Thị Lý, thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, giao lưu, trao đổi sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý với các trường đại học nước ngoài. Bên cạnh đó, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường cơ sở vật chất. Mặt khác, phối hợp với các sở, ngành đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, HS học tập và nghiên cứu ở nước ngoài; thu hút, sử dụng có hiệu quả HS, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp về xây dựng quê hương…

H.NGÂN

Theo: Báo Khánh Hòa