Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chịu nhiều thiệt hại. Hiện các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực khắc phục hậu quả để đón khách trở lại.
Thiệt hại nặng
Ngày 6-11, có mặt tại Trung tâm suối khoáng nóng I-Resort Nha Trang, chúng tôi chứng kiến cảnh tan hoang nơi đây khi dãy nhà chờ của khu du lịch đã bị sụp đổ hoàn toàn. Mái tranh, đà gỗ, dây điện ngổn ngang xen lẫn các máy móc, thiết bị, tủ bán hàng lưu niệm. Ở phía ngoài khu vực bãi giữ xe, những trụ điện bê tông cốt sắt cũng bị bẻ gãy. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đăng Quang – Giám đốc Kinh doanh Trung tâm suối khoáng nóng I-Resort Nha Trang cho biết, trong cơn bão số 12 vừa qua, khu du lịch chịu thiệt hại khá nặng. Dự kiến phải mất 1 tuần để đơn vị khắc phục hậu quả rồi mới đón khách trở lại.
Khu du lịch Merperle Hòn Tằm cũng chịu thiệt hại nặng khi toàn bộ cây xanh trong khu du lịch bị ngã rạp; đường bờ kè bị sập một đoạn dài; một số bungalow bị đổ sập; một số villa mới xây bị bay mái; 1 chiếc cano bị chìm. Tại các khách sạn, resort trên đảo Hòn Tre của Công ty cổ phần Vinpearl Nha Trang, số lượng cây xanh bị ngã đổ tương đối nhiều. Khu resort Ka Lâm có 1 cano bị thủng đáy, 2 tàu gỗ bị chìm, 1 cầu tàu bị cuốn trôi, 80% cây xanh bị ngã đổ, nhà hàng phần giáp biển bị hư hỏng nặng, các phòng lưu trú bị dột… ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng.
Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara, hệ thống cây xanh tầm cao bị ngã đổ khoảng 70%, cây tầm thấp thiệt hại khoảng 20%, có 5 mái nhà ngói bị tốc, mặc dù vậy khu nghỉ vẫn tiếp nhận 4 khách từ khách sạn Sunrise Nha Trang đưa sang. Khu resort Amiana, cây xanh ngã đổ khoảng 60%, có 20 mái nhà ngói trang trí bị tốc, 100 tấm kính lấy ánh sáng bị vỡ.
Các khách sạn khác như Sunrise Nha Trang, Mường Thanh Luxury Nha Trang, Nha Trang Center, Nha Trang Lodge, Yasaka Saigon Nhatrang, Havana, InterContinental… cũng bị thiệt hại về cây xanh và một số hạng mục công trình. Ở khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, các khách sạn, khu resort cũng ít nhiều bị thiệt hại về cơ sở vật chất, cây xanh ngã đổ.
Các doanh nghiệp kinh doanh tour biển đảo và điểm du lịch cũng bị thiệt hại nặng cả về cơ sở vật chất lẫn hợp đồng tài chính. “Khu du lịch của chúng tôi cây xanh ngã đổ nhiều làm ảnh hưởng đến dãy nhà phục vụ. Vì thế ngày 4 và 5-11, chúng tôi không đón khách được nên thiệt hại nhiều về tài chính”, bà Huỳnh Thị Kim Cúc – Giám đốc Trung tâm suối khoáng nóng Tháp Bà cho biết. Các điểm du lịch khác như Khu du lịch Đảo Khỉ, Khu du lịch Suối Hoa Lan, Khu du lịch Trăm Trứng, Công viên du lịch Yang Bay, Khu du lịch sinh thái Nhân Tâm cũng bị thiệt nặng, ảnh hưởng đến hoạt động đón khách du lịch.
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh tour biển đảo đều ngưng phục vụ khách trong hai ngày 4 và 5-11. Một số văn phòng của các công ty bị tốc mái, cây xanh ngã đổ làm bể kính xe, cửa văn phòng. Các bè nổi kinh doanh dịch vụ lặn biển và các thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi giải trí trên biển, ca nô, tàu của các công ty như Liên Thành, Biển Hoa, Lặn Biển Xanh bị chìm. Tại Khu Du lịch đảo Khỉ, Suối Hoa Lan, phần lớn cây xanh bị ngã đổ, mái chòi bị gió cuốn bay…
Nỗ lực khắc phục
Trong cơn bão số 12 vừa qua, ở lĩnh vực lưu trú nhóm khách sạn từ 3 sao trở xuống bị thiệt hại nhiều. Ngay trong tối 3 và sáng 4-11, nhiều du khách ở các khách sạn này đã phải chuyển sang khách sạn khác để đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, do thiếu sự chuẩn bị cần thiết nên việc cung cấp dịch vụ ăn uống ở các khách sạn, nhà hàng bị quá tải. Cảnh tượng khách du lịch, nhất là khách nước ngoài xếp hàng chờ đợi ở các nhà hàng hay các điểm bán hàng tạp hóa diễn ra ở nhiều nơi trong TP. Nha Trang. Tuy nhiên, đến trưa 5-11, việc đáp ứng nhu cầu ăn uống của khách đã được đảm bảo.
“Do có sự chủ quan, nên trong ngày bão đến chúng tôi không đáp ứng đủ nhu cầu ăn uống của khách, một số khách phải đi ăn ở ngoài. Ngay sau khi bão tan, chúng tôi đã nhập thêm lương thực thực phẩm để phục vụ tốt nhu cầu cầu của khách. Với những khách không ăn trong khách sạn, chúng tôi cũng hướng dẫn cho khách đến những nhà hàng có uy tín trong thành phố”, quản lý một khách sạn 3 sao trên đường Nguyễn Thiện Thuật chia sẻ.
Đến trưa 6-11, một số nhà hàng ở khu phố Tây (Nha Trang) vẫn chưa đi vào hoạt động. Còn ở những nhà hàng đã hoạt động, lượng khách cũng không quá đông. Một số nhà hàng chuyên phục vụ khách đoàn lượng khách cũng vừa phải và được bố trí luân phiên.
Sáng 6-11, các doanh nghiệp kinh doanh tour 4 đảo đã đón khách trở lại. Tuy nhiên, do khu vực đảo Hòn Mun cầu tàu bị gãy chưa khắc phục được nên khách chỉ đi 3 đảo. “Trong mấy ngày vừa qua do sóng to, biển động nên tour 4 đảo tạm ngừng hoạt động. Vì vậy, hôm nay lượng khách đi rất đông. Riêng công ty chúng tôi đã đưa khoảng 2.000 khách đi tham quan vịnh Nha Trang. Tuy nhiên, dịch vụ lặn biển vẫn chưa hoạt động trở lại do nước đục”, ông Hồ Văn Tín – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Nha Trang cho biết.
Còn ở hai khu du lịch Đảo Khỉ và Suối Hoa Lan của Công ty cổ phần du lịch Long Phú, hai ngày qua nhân viên của khu du lịch đã nỗ lực thu dọn cây cối, làm lại những hạng mục nhà cửa, bờ kè bị thiệt hại. “Mặc dù khối lượng công việc rất nhiều, nhưng quyết tâm của chúng tôi là sẽ hoàn thành để đến ngày 8-11 có thể đón khách trở lại. Trước mắt sẽ ưu tiên khách đoàn đã ký hợp đồng, sau đó sẽ dần củng cố để đón khách lẻ”, ông Trần Minh Đức – Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Long Phú cho biết.
Còn theo ông ông Phạm Minh Nhựt – Tổng Giám đốc Khu du lịch MerPerle Hòn Tằm, dù bị thiệt hại nặng nề do bão nhưng đơn vị vẫn động viên tinh thần nhân viên từng bước khắc phục để đón và phục vụ tốt du khách. Trong ngày 6-11, khu du lịch đã đón khoảng 3.000 lượt khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch, điều đáng mừng là trong cơn bão vừa qua hoạt động du lịch không có thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản, tài chính của các doanh nghiệp rất lớn. Nhưng ngay sau khi bão suy yếu, các doanh nghiệp đã bắt tay vào công tác khắc phục hậu quả, đồng thời ổn định hoạt động để có thể phục vụ khách được tốt.
Nhân Tâm