Kể từ ngày 1-1-2020, tất cả doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phải thực hiện điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động theo quy định của Chính phủ. Hiện nay, các ngành chức năng tập trung hướng dẫn DN áp dụng theo đúng quy định.
Điều chỉnh lương
Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90 về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2020, các DN trên địa bàn tỉnh phải đồng loạt áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới mà Chính phủ đã quy định. Cụ thể, đối với những DN trên địa bàn TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh, điều chỉnh nâng mức lương từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng; DN trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và các huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm điều chỉnh nâng mức lương từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng; DN trên địa bàn huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh điều chỉnh nâng mức lương từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.
Ông Văn Đình Tri – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, khi thực hiện áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới, các DN cần phải phối hợp với tổ chức đại diện tập thể người lao động để thỏa thuận điều chỉnh các mức lương trong thang, bảng lương; mức lương ghi trong hợp đồng, trả cho người lao động đúng theo quy định. Đồng thời, khi áp dụng mức lương mới, DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác mà pháp luật đã quy định. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của DN. “Hiện nay, sở và các ngành chức năng, địa phương tập trung hướng dẫn cụ thể cho các DN chuẩn bị áp dụng đảm bảo đúng quy định. Sau ngày 1-1-2020, sở sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới tại các DN. Nếu phát hiện DN cố tình không điều chỉnh, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Lo ngại tăng giá
Việc điều chỉnh tăng lương, đồng nghĩa góp phần giúp người lao động tăng thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Chị Huỳnh Thị Kim – công nhân Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam cho biết: “Hiện nay, mỗi tháng, thu nhập của vợ chồng tôi được khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí cho sinh hoạt, thuê trọ, con cái ăn học cũng không dư được đồng nào. Việc Nhà nước điều chỉnh tăng lương, chúng tôi rất mừng”.
Đa số người lao động cho biết, năm nay, mức tiền lương được điều chỉnh tăng lên nhưng không đáng kể, khoảng hơn 200.000 đồng/tháng. Mức tăng này còn khá khiêm tốn. Điều mà nhiều người lao động lo lắng là tiền lương tăng chẳng được bao nhiêu nhưng giá cả thị trường cũng sẽ tăng theo. Chị Nguyễn Thị Tuyết – công nhân Công ty TNHH Komega-X chia sẻ: “Những năm trước, lương của công nhân được điều chỉnh tăng vài trăm ngàn đồng, chỉ vài ngày sau giá cả thị trường, tiền nhà trọ cũng tăng theo. Năm nay tiếp tục điều chỉnh tăng lương, chúng tôi lại lo giá cả cũng tăng. Chúng tôi hy vọng Nhà nước có những chính sách bình ổn giá để công nhân được hưởng niềm vui tăng lương, tích lũy được ít vốn để lo cho cuộc sống. Đồng thời, các cấp, ngành cần sớm thành lập khu mua sắm tại các khu công nghiệp với giá cả ổn định, hàng rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng cho công nhân”…
Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tăng lương ít nhiều cũng góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Việc tăng lương, người lao động lo giá cả thị trường tăng theo cũng là điều khó tránh khỏi.
VĂN GIANG
Theo: Báo Khánh Hòa