Hiện nay, những mô hình tổ tự quản thu gom rác thải sinh hoạt tại Khánh Sơn đang hoạt động khá hiệu quả, cơ bản giải quyết được vấn đề rác thải sinh hoạt của các hộ trên những tuyến đường chính, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sạch – đẹp, cũng như xây dựng nông thôn mới tại địa bàn miền núi.
Theo bà Vũ Ngọc Hà – chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khánh Sơn, đến nay, toàn huyện đã quy hoạch và xây dựng được 5 bãi xử lý rác thải sinh hoạt tại 5 xã: Sơn Trung, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp và Ba Cụm Bắc. Tại các xã cũng đã thành lập các tổ tự quản và tổ chức thu gom rác 3 lần/tuần. Việc quy hoạch và xây dựng các bãi xử lý rác thải sinh hoạt căn cứ vào tình hình thực tế và mật độ dân số tại các địa phương. Hiện nay, các bãi rác, tổ tự quản thu gom rác thải sinh hoạt tại các địa phương hoạt động khá tốt, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, giảm thiểu ô nhiễm do rác thải sinh hoạt tại địa bàn dân cư, cũng như thực hiện tiêu chí môi trường tại các xã. Đến nay, toàn huyện có 2 xã là Sơn Lâm và Sơn Hiệp hoàn thành tiêu chí môi trường nông thôn mới.
Điển hình là bãi rác xã Sơn Trung (đặt tại thôn Ma O) được xây dựng và đi vào hoạt động năm 2001, thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Tô Hạp, thôn Tà Nỉa và một phần thôn Ma O (xã Sơn Trung). Sau một thời gian, do quá tải nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Thời gian gần đây, các ngành liên quan đã quan tâm đầu tư cải tạo bãi rác, sử dụng chế phẩm sinh học để khử mùi rác thải. Nhờ đó, tình trạng đổ rác tràn lan, không đúng nơi quy định, bốc mùi hôi đã được cải thiện đáng kể.
Bãi rác xã Ba Cụm Bắc được quy hoạch và hoạt động vào năm 2016 tại khu vực thôn Suối Đá, với diện tích khoảng 1ha. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, cán bộ địa chính, xây dựng xã, hàng tuần, tổ tự quản thu gom rác thải của xã tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt của những hộ dọc Tỉnh lộ 9 (đoạn chạy qua địa phận của xã) vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Để góp phần duy trì hoạt động của tổ, hàng tháng mỗi hộ đóng góp 8.000 đồng. Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ 50 thùng đựng rác đặt trên đoạn đường này. Từ khi mô hình tổ tự quản thu gom rác thải đi vào hoạt động và tập kết rác tại bãi xử lý rác của xã đã góp phần tích cực trong việc giảm thiểu tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường của người dân khu vực này.
Theo bà Vũ Ngọc Hà, bên cạnh kết quả bước đầu, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn, do hạn chế nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý rác tại các bãi rác, như: hệ thống xử lý nước rỉ rác, các xe thu gom rác chưa đúng quy chuẩn, thiếu thùng rác để hỗ trợ cho một số khu vực tại thị trấn Tô Hạp. Hiện tại, hình thức xử lý tại các bãi rác vẫn chỉ là đốt rồi chôn lấp. “Để giải quyết tình trạng nêu trên, trước mắt là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định; tiếp tục xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học, chôn lấp đảm bảo kỹ thuật. Về lâu dài, huyện đã có chủ trương xây dựng bãi rác mới tại khu vực Hòn Dung (xã Sơn Trung), trên diện tích khoảng 2,5ha và xây lò đốt rác để thay thế cho bãi rác xã Sơn Trung hiện nay”, bà Hà nói.
Đinh Luận
Theo: Báo Khánh Hòa