Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao.
Gia tăng số ca nhiễm HIV ở nhóm trẻ tuổi
Số liệu giám sát cho thấy, dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12%, đặc biệt tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,9% vào năm 2011 lên 5,1% năm 2015 và 13,3% năm 2020). Số MSM chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020, chủ yếu ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên. Cá biệt, có tỉnh tỷ lệ này chiếm đến 80%.
Cũng qua số liệu giám sát phát hiện hàng năm cho thấy, nhiễm HIV đang trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 15-24 tăng nhanh, từ 4% (năm 2012) lên 12,9% (năm 2019) và 25,6% (năm 2021). Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này vào năm 2021 cho thấy, 89,9% lây qua đường tình dục, trong đó lây qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6%.
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021 về kiến thức, thái độ, thực hành phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên (tuổi từ 15 đến 24) cho thấy, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ chỉ chiếm 39,8%; ở nam là 48,7%. Ngay cả với thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thì tỷ lệ này ở nữ cũng chỉ đạt 39,8%; ở nam 48,7%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu chung là phải đạt 80% ở cả hai giới. Cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, có 14% nam ở nhóm tuổi này có nhiều hơn 1 bạn tình. Đây là yếu tố chủ yếu dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai…
Tăng cường truyền thông cho thanh niên
Với tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, năm 2021, Bộ Y tế – Cơ quan Thường trực phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có những văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tăng cường phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp, nhất là các đối tượng ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh niên cần có sự đóng góp của đoàn thanh niên các cấp. Theo đó, đoàn thanh niên các cấp cần chủ động triển khai những hoạt động truyền thông phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp, nhất là qua Internet. Đối với học sinh, sinh viên cần tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, tác hại của ma túy, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các hoạt động như: Ngoại khóa, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, cuộc thi viết về HIV/AIDS, hoạt động sân khấu, lồng ghép trong những buổi mít tinh, sự kiện truyền thông tại các trường. Cùng với đó, tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS; các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV; lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV. Qua đó, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.
Đối với thanh niên là công nhân, người lao động cần tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các kênh thông tin, truyền thông của Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp. Việc tuyên truyền tập trung vào một số nội dung, như: Hiểu biết về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV… Hình thức tuyên truyền thông qua tổ chức các hội thảo, sự kiện, phát ấn phẩm và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp lớn…
Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)