Hội đồng tư vấn kinh tế – xã hội, UBMTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội thảo bàn về “Thực trạng và giải pháp thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh”. Qua đó, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, thực hiện Chương trình OCOP, sau gần 3 năm (2018 – 2020) triển khai, tỉnh xây dựng kế hoạch tập trung chuẩn hóa 52 sản phẩm, trong đó hiện có 26 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao. Điển hình như: Sầu riêng, mía tím (huyện Khánh Sơn); xoài tươi (huyện Cam Lâm); xoài sấy (TP. Cam Ranh); chả cá chiên, hấp (huyện Vạn Ninh); bưởi da xanh, dưa lưới Ô Xanh (huyện Khánh Vĩnh)… Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy tiềm lực sản phẩm của tỉnh rất lớn nhưng số lượng chủ thể tham gia OCOP còn hạn chế. Rất ít chủ thể (doanh nghiệp, cơ sở sản xuất) chủ động tìm đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ đưa sản phẩm tham gia OCOP. Ông Huỳnh Quang Thành – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, thời gian qua, muốn các chủ thể tham gia OCOP, cán bộ ngành Nông nghiệp phải đến tận nơi vận động, thuyết phục, hỗ trợ toàn diện chu trình OCOP từ thủ tục kiểm định chất lượng, mẫu mã bao bì cho đến xây dựng sản phẩm. Một trong những nguyên nhân khiến các chủ thể e ngại là do biểu mẫu, hồ sơ tham gia đánh giá quá nhiều và khó đối với các chủ thể sản xuất. Mặt khác, người dân chưa thực sự thấy được sự gia tăng giá trị mà sản phẩm OCOP mang lại.
Theo ông Nguyễn Quốc Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, việc địa phương có 2 sản phẩm OCOP đạt 3 – 4 sao (sầu riêng tươi và mía tím) là một thuận lợi ban đầu để sản phẩm có thể tiếp cận với thị trường xuất khẩu. Thế nhưng, việc đưa sản phẩm này ra thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay là điều không đơn giản. Bởi sầu riêng Khánh Sơn dù đã được chứng nhận sản phẩm OCOP nhưng nông dân vẫn chủ yếu bán ra thị trường tự do, chưa có sự chênh lệch về giá cả.
Sản phẩm bưởi da xanh của Khánh Vĩnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Ngọc – Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả Khánh Đông cho biết, bưởi của các thành viên đã đạt chuẩn VietGAP và được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2019. Để đạt được điều đó, người trồng bưởi phải bỏ ra chi phí đầu tư cao gấp đôi sản xuất bình thường, nhưng thương lái cũng chỉ mua ngang giá bưởi thường, dù nhận xét bưởi đẹp, ngon.
Đưa ra nhiều giải pháp
Thực tế, việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP luôn được tỉnh quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thị trường nội địa chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian qua, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp kết nối, quảng bá, giới thiệu, kích cầu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức gian hàng triển lãm Festival OCOP tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 tại tỉnh Nam Định; trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao trở lên tại phiên chợ Tuần Nông sản an toàn thực phẩm năm 2020 do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp – Bộ NN-PTNT tổ chức tại Khánh Hòa; Hội Nông dân tỉnh tổ chức các phiên chợ nông sản nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương, kết nối cung cầu… Sở Công Thương phối hợp với Sở NN-PTNT, siêu thị Co.opmart Nha Trang khai trương điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại siêu thị…
Ông Nguyễn Quang Thành cho biết, để có một Chương trình OCOP nâng cao, sâu rộng và đồng bộ cho giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương và cấp kinh phí thực hiện lập đề án trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa Chương trình OCOP; thúc đẩy liên kết giữa 6 nhà (gồm nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp, nhà phân phối) tham gia xây dựng thương hiệu cho nông sản; tập trung phát triển một số nông sản chủ lực để hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn; tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nhiều hơn nữa tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh…
Tại hội nghị, ông Võ Đình Dũng – Giám đốc siêu thị Co.opmart Nha Trang chia sẻ, hiện nay, sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu thực phẩm tươi, theo mùa vụ, chưa qua chế biến nên giá trị không cao; quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ, tính liên kết thấp; việc quảng bá thương hiệu sản phẩm còn rất hạn chế. Cùng với siêu thị Coopmart Nha Trang, hiện nay, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn đều có mặt tại Khánh Hòa như: Go!, Bách hóa xanh, Vinmart… Đây là lợi thế rất lớn để tỉnh chủ động làm việc với họ đưa sản phẩm của địa phương vào tiêu thụ; tăng cường hơn nữa việc tham gia và chủ động tổ chức các triển lãm, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, để đưa sản phẩm của địa phương vươn ra toàn quốc, thay vì ngồi chờ các tập đoàn bán lẻ lớn tìm tới mình thì lãnh đạo tỉnh nên chủ động làm việc với họ, nắm bắt cơ hội để ký kết triển khai…
Ông Lữ Thế Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Nông nghiệp Toàn Cầu chia sẻ, để thu hút người dân tích cực tham gia Chương trình OCOP, các địa phương cần hỗ trợ nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm (thông qua việc lập trang web); đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử nhằm kết nối cung – cầu, hạn chế khâu trung gian để sản phẩm chủ thể có giá cao hơn…
KHÁNH HÀ
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202103/nang-cao-gia-tri-san-pham-ocop-8210912/