Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn

Với vai trò là cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến các đối tượng chính sách, đến nay, mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng mở rộng, hoạt động ổn định và có chất lượng tốt.  

Giúp chuyển tải vốn vay hiệu quả


Bà Nguyễn Thị Kim Liên – Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Xuân Đông (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) cho biết, năm 2007, tổ có 38 thành viên với dư nợ 400 triệu đồng, do Hội Phụ nữ xã quản lý. Thời gian đầu, việc thu lãi, gửi tiết kiệm, trả nợ đến hạn của hộ vay gặp nhiều khó khăn, có 2 hộ nợ quá hạn. Nguyên nhân do người dân sử dụng vốn không hiệu quả, một số hộ có tâm lý ỷ lại vào vốn xóa đói giảm nghèo của Nhà nước nên chưa thực sự nỗ lực làm ăn. Bà Liên đã phối hợp với Ban Nhân dân thôn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi khi vay vốn; đồng thời nắm bắt việc sử dụng vốn của hộ vay để kịp thời có hướng giải quyết. Nhờ đó, các hộ vay đã dần hình thành thói quen trả lãi, gửi tiền tiết kiệm đều đặn; nhiều hộ được vay mức tối đa các chương trình tín dụng chính sách để phát triển kinh tế. Đến nay, tổ có 55 tổ viên với dư nợ hơn 3 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, các tổ viên từng bước vươn lên thoát nghèo, trung bình mỗi năm có 5 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 100 lao động; hơn 30 sinh viên được vay vốn học tập đã ra trường và có công việc ổn định…



Các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở phường Phước Tân (TP. Nha Trang) giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.


 

Hiện nay, Tổ Tiết kiệm và vay vốn xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) do Đoàn Thanh niên quản lý có 55 tổ viên với dư nợ hơn 1,8 tỷ đồng của 7 chương trình tín dụng. “Tổ luôn duy trì họp định kỳ hàng tháng để tuyên truyền, nhắc nhở tổ viên nộp lãi đúng hạn, phổ biến các chính sách mới và công khai công tác bình xét các hộ dân được vay vốn. Bên cạnh đó, các buổi họp định kỳ của tổ còn là dịp để các tổ viên trao đổi những khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, góp phần sử dụng vốn hiệu quả hơn. Nhờ đó, nhiều năm qua, tổ không phát sinh nợ quá hạn; 100% tổ viên đều tham gia gửi tiền tiết kiệm”, bà Bo Bo Thị Thu Uyên – Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn xã Sơn Bình nói.

Tăng cường quản lý


Hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy vai trò là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, tiết giảm chi phí, đảm bảo công khai, tạo hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cho thấy, nợ quá hạn tại các tổ tiết kiệm và vay vốn vẫn còn cao. Tính đến ngày 31-8, nợ quá hạn là 9,08 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 0,25%. Trong đó, tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác qua Hội Nông dân có nợ quá hạn 0,3%; Hội Liên hiệp Phụ nữ 0,24%; Hội Cựu chiến binh 0,17% và Đoàn Thanh niên 0,09%.  


Tại hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78 ngày 4-10-2002 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, đồng chí Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh chỉ đạo, các tổ chức nhận ủy thác cần tiếp tục triển khai giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay; thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn từ khâu bình xét cho vay, giải ngân vốn vay đến kiểm tra, giám sát hộ vay và đôn đốc thu hồi nợ. Bên cạnh đó, phối hợp với NHCSXH tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao năng lực quản lý vốn vay. Các ngành, địa phương cần quan tâm phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư; xây dựng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong quản lý và sử dụng vốn vay.



Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, tính đến ngày 31-8, toàn tỉnh có 2.567 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động; dư nợ bình quân mỗi tổ quản lý hơn 1,43 tỷ đồng với hơn 40 thành viên. Qua xếp loại có 2.322 tổ xếp loại tốt (chiếm 90,5%); 169 tổ loại khá (6,6%); 73 tổ loại trung bình (2,8%) và 3 tổ loại yếu (0,1%).


MAI HOÀNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/taichinh-nganhang/202210/nang-cao-chat-luong-to-tiet-kiem-va-vay-von-8264706/