Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Để nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác vốn vay thường xuyên rà soát, thẩm định, kiểm tra bảo đảm cho vay đúng đối tượng, giải ngân kịp thời, sử dụng vốn vay đúng mục đích.


Sử dụng nguồn vốn hiệu quả


Năm 2015, ông Huỳnh Hữu Phụng (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) vay NHCSXH 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng chính sách giải quyết việc làm để chăn nuôi cừu. Đến nay, đàn cừu của gia đình ông đã tăng từ 10 lên 40 con. Đây là nguồn thu chính của gia đình để đảm bảo đời sống và nuôi các con ăn học. Kết hợp với người thân làm mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi bò, cừu và trồng trọt nên nguyện vọng của ông là NHCSXH nâng mức cho vay, tạo điều kiện cho các hộ có diện tích đất lớn mở rộng quy mô sản xuất để tăng thêm thu nhập. Nhờ có nguồn vốn từ NHCSXH, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Cam Ranh có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống, thu nhập. Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn TP. Cam Ranh hơn 366 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,17% cho thấy chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tốt. Để có kết quả đó, Phòng Giao dịch NHCSXH thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác vốn vay thực hiện nghiêm túc từ khâu bình xét, thẩm định mục đích vay, giám sát, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả.  




Ông Trần Thanh Trung (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) vay vốn NHCSXH để nuôi bò và trồng hoa cúc. Theo ông Trung, nhiều người dân địa phương cũng nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ để nâng cao đời sống, thu nhập cho gia đình. Từ hiệu quả của nguồn vốn vay đối với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, hộ vay có điều kiện hoàn trả các khoản nợ gốc, lãi cho NHCSXH. Bên cạnh đó, ý thức trả nợ của phần lớn hộ vay trên địa bàn phường rất tốt. Nhờ đó, chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên. Phường Ninh Giang là địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn thấp; số nợ quá hạn chỉ khoảng 48 triệu đồng/16 tỷ đồng dư nợ. 


Cũng như phường Ninh Giang, nhiều xã, phường trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã quản lý tốt nguồn vốn chính sách. Thị xã Ninh Hòa là địa phương có quy mô dư nợ vốn tín dụng chính sách lớn nhất tỉnh, với hơn 540 tỷ đồng; địa bàn cho vay rộng với 27 xã, phường. Nhờ công tác quản lý vốn vay được phối hợp rất chặt chẽ giữa NHCSXH, chính quyền các địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác, hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn nên nguồn vốn sử dụng hiệu quả, đảm bảo chất lượng tín dụng. Gần đây, tuy dịch Covid-19 đã tác động phần nào đến khả năng trả nợ của người vay nhưng tỷ lệ nợ quá hạn vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 0,22% tổng dư nợ. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng nên người dân tiếp cận được các chương trình cho vay ưu đãi, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. 


Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng


Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn gần 2.864 tỷ đồng. Trong đó, các chương trình có dư nợ lớn gồm: cho vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất, cho vay vốn vùng khó khăn. Cùng với việc tập trung thực hiện tăng trưởng tín dụng, NHCSXH tỉnh luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng. Hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức 0,28%, giảm nhẹ so với cuối năm 2019 (0,29%). Năm 2020, NHCSXH tỉnh phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,27%, xã có nợ quá hạn trên 1,5% còn tối đa 3 xã (giảm 2 xã so với năm 2019); đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn 38 xã (tăng 8 xã so với năm 2019); chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cấp xã: hơn 90% xếp loại tốt, không có địa phương xếp loại yếu, trung bình; chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại huyện: 100% xếp loại tốt.


Theo ông Lê Văn Thành – Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh, để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, NHCSXH tiếp tục tham mưu để thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, công khai minh bạch các cơ chế, chính sách tín dụng để người dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiểu rõ, nắm được mục đích, chính sách tín dụng ưu đãi, ý nghĩa của từng chương trình và trách nhiệm trả nợ khi đến hạn; rà soát, phân tích nợ và lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro các khoản nợ đủ điều kiện xử lý theo quy định; tiếp tục thực hiện tốt công tác xử lý nợ đến hạn. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tập trung xử lý các trường hợp hộ vay chây ỳ, có điều kiện nhưng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Với những xã, phường, thị trấn, hội, tổ tiết kiệm và vay vốn có nợ quá hạn, lãi tồn đọng cao, lãnh đạo NHCSXH tỉnh và phòng giao dịch sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo địa phương để có các giải pháp xử lý, thu hồi nợ có hiệu quả; đồng thời theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.



Theo: Báo Khánh Hòa