Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục

Thực hiện Chỉ thị số 10 năm 2011 của Bộ Chính trị khóa XI về “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn”, thời gian qua, công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực.

Chăm lo công tác giáo dục


Trong giáo dục mầm non, cùng với việc thực hiện các chính sách của Trung ương về phát triển giáo dục mầm non, miễn giảm học phí, chế độ học bổng…, tỉnh đã quan tâm bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho công tác giáo dục. Cụ thể như: xây dựng và triển khai Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2010 – 2015”; Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018 – 2025; Kế hoạch hành động giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh Khánh Hòa thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Từ năm học 2012 – 2013, tỉnh hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em dân tộc thiểu số từ 3 đến 5 tuổi với mức 220.000 đồng/cháu/tháng… Trong 10 năm, toàn tỉnh đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa 143 trường mầm non, 379 phòng học; xây dựng, thành lập mới 12 trường… Đến nay, 100% phòng học cho trẻ 5 tuổi trên toàn tỉnh đạt chuẩn kiên cố; có 80/162 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia… Năm 2014, tỉnh hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, là 1 trong 10 tỉnh trên cả nước hoàn thành mục tiêu này trước 2 năm…



Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Phước Tân 1 (TP. Nha Trang).



Trong phổ cập giáo dục tiểu học, cuối năm 2018, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học ở mức độ 3. Đến nay, kết quả này tiếp tục được củng cố và duy trì. Tỷ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp luôn đạt hơn 99,9%; tỷ lệ học sinh tiểu học lưu ban 0,48%, tỷ lệ bỏ học 0,08%. Với phổ cập giáo dục THCS, cuối năm 2018, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, trong đó có 2 địa phương đạt chuẩn mức độ 1 và 7 địa phương đạt chuẩn mức độ 2. 139/139 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Giai đoạn 2011 – 2021, tỷ lệ lưu ban và bỏ học ở bậc THCS giảm dần qua các năm, còn dưới 1,5%, vượt chỉ tiêu kế hoạch.


Trong công tác xóa mù chữ cho người ở độ tuổi lao động, giảm tỷ lệ người tái mù chữ ở người lớn, tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020 và chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai… Giai đoạn 2011 – 2021, toàn tỉnh đã huy động hơn 3.000 học viên ra các lớp xóa mù chữ. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ ở mức độ 1 đạt 99,4%, biết chữ ở mức độ 2 đạt 97,5%. Riêng đồng bào dân tộc thiểu số độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ ở mức độ 1 đạt 97,9%… 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ.

Tiếp tục tập trung nguồn lực


Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục không ngừng được quan tâm đẩy mạnh. Trong 10 năm, toàn tỉnh đã huy động được gần 200 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư phòng học, phòng chức năng, thiết bị học tập… cho các trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…


Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được của các cấp, ngành, địa phương trong việc thực hiện chỉ thị này. Ông yêu cầu trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị – xã hội các cấp tiếp tục tăng cường tuyên truyền, triển khai đồng bộ, hữu hiệu công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục ở các cấp học; kịp thời bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, đảm bảo nguồn lực, xác định giải pháp trọng tâm, chiến lược, có tính đột phá để triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ cập giáo dục ở vùng nông thôn, miền núi và hải đảo; huy động hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để thúc đẩy phát triển mạng lưới trường, lớp; chú trọng công tác quy hoạch, tăng cường đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, nâng cấp cơ sở vật chất…



Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường; duy trì 100% địa phương cấp xã, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; phấn đấu tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 5%. Đến năm 2030, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99%; duy trì 100% địa phương cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; tỷ lệ người từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 98%…


VĨNH THÀNH

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202111/nang-cao-chat-luong-pho-cap-giao-duc-8236172/