Thời gian qua, nhiều mô hình khuyến nông của huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Năm 2019, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng mô hình khuyến nông, trong đó chú trọng những mô hình phát huy thế mạnh của địa phương.
Phát triển mô hình trồng cây có múi
Năm 2018, từ nguồn vốn khuyến nông gần 54 triệu đồng, Trạm Khuyến nông và Khuyến lâm huyện Diên Khánh triển khai trình diễn mô hình trồng bưởi da xanh và cam xoàn thâm canh với diện tích 2ha bưởi ở xã Diên Đồng, 2ha cam ở 2 xã Diên Đồng và Diên Tân. Ông Trần Quốc Việt (xã Diên Tân) cho biết, khi tham gia mô hình trồng cam xoàn, gia đình ông cùng bỏ vốn với kinh phí khuyến nông trồng gần 300 gốc cam xoàn. Ông được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên đến nay vườn cam phát triển tốt. Nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu ở địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay nên một số hộ trong xã cũng mua giống cam xoàn về trồng.
Theo lãnh đạo Trạm Khuyến nông và Khuyến lâm huyện Diên Khánh, mô hình trồng bưởi da xanh đã được huyện triển khai từ lâu, được nhiều nông dân quan tâm đầu tư vốn nhân rộng. Đến nay, tổng diện tích trồng mới bưởi da xanh trên địa bàn huyện hơn 90ha, chủ yếu ở các xã: Diên Xuân, Diên Thọ, Diên Đồng, Diên Tân, Suối Tiên, Diên Lâm, Diên Phước, Diên Bình, Diên Lộc, Diên Hòa. Năm 2019, huyện tiếp tục triển khai trình diễn mô hình trồng bưởi da xanh thâm canh nhằm phổ biến những giải pháp kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho loại cây trồng này. Huyện đã bố trí nguồn kinh phí hơn 116 triệu đồng để triển khai mô hình với 5ha tại các xã phía tây của huyện. Điều kiện thổ nhưỡng của các xã cánh tây rất phù hợp với phát triển cây ăn trái có múi. Bên cạnh đó, thời gian qua, cây mía không còn đem lại hiệu quả kinh tế nên người dân các xã này mong muốn chuyển đổi cây trồng. Vì vậy, huyện triển khai mô hình khuyến nông này giúp nông dân có thêm lựa chọn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Điều này cũng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Công tác khuyến nông đi vào chiều sâu
Năm 2019, huyện Diên Khánh tiếp tục triển khai mô hình trình diễn canh tác lúa theo biện pháp 1 phải 5 giảm với kinh phí hơn 27,2 triệu đồng. Mô hình được thực hiện tại 23 hợp tác xã nông nghiệp trên tổng diện tích 7ha. Trước đó, năm 2018, huyện đã triển khai mô hình trình diễn này trên 11,5ha với kinh phí 36 triệu đồng và đạt kết quả rất tốt. Mô hình trình diễn giống xác nhận BDR27 là giống lúa mới của Viện Khoa học nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ. Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông và Khuyến lâm huyện, mô hình sử dụng giống xác nhận, áp dụng gieo sạ thưa nên lượng giống giảm còn 120kg/ha (trước đây thường gieo 160 – 180kg/ha). Ruộng trình diễn lúa phát triển tốt và hầu như không có sâu bệnh. Mặt khác, khi giảm lượng giống gieo sạ, chi phí sản xuất giảm theo nhưng năng suất, sản lượng không giảm. Đặc biệt, trong vụ hè thu 2018, diện tích tham gia mô hình đều có năng suất từ 75 đến 90 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân toàn huyện từ 10 đến 25 tạ/ha. Mô hình trình diễn này đã giúp nông dân hoàn thiện hơn quy trình canh tác lúa, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tổng kinh phí cho kế hoạch khuyến nông của huyện năm 2019 gần 233 triệu đồng. Ngoài mô hình trồng bưởi da xanh thâm canh, canh tác lúa theo biện pháp 1 phải 5 giảm, huyện còn trình diễn trồng bắp lai trên diện tích 10ha; tập huấn kỹ thuật… Ông Nguyễn Tấn Cường – Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, so với kế hoạch khuyến nông các năm trước, kế hoạch khuyến nông năm nay giảm số lượng các mô hình trình diễn. Tuy nhiên, công tác khuyến nông ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng hơn, nguồn kinh phí dành cho công tác khuyến nông cao hơn. Huyện cũng chú trọng triển khai các mô hình phát huy thế mạnh của địa phương theo hướng thâm canh, tăng năng suất, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị đất sản xuất…
MAI HOÀNG
Theo: Báo Khánh Hòa