Thời gian gần đây, huyện Khánh Vĩnh có tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng trở lại. Chính quyền địa phương cần tích cực triển khai nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để khống chế tình trạng này.
Kiến thức hạn chế
Chị Cao Thị Nhẫn ở thôn Bầu Sang, xã Liên Sang mới 24 tuổi nhưng đã có 3 con. Chị cho biết, không phải chị muốn sinh dày, sinh đông, mà bởi sau khi dừng tiêm thuốc tránh thai một thời gian do không phù với sức khỏe, chị lại không dùng biện pháp tránh thai mới thay thế, dẫn đến bị vỡ kế hoạch. Trong khi đó, cuộc sống gia đình anh Cao A Miêng (thôn Bầu Sang) hiện nay rất khó khăn do vợ chồng anh có tới 7 đứa con. Bản thân anh bị bệnh hen sức khỏe yếu, chỉ ở nhà trông con, vợ anh trở thành lao động chính nên quanh năm phải đi làm ở rẫy xa. “Cán bộ dân số có khuyên vợ tôi nên triệt sản hoặc đặt vòng nhưng vợ tôi từ chối vì lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Vợ tôi có dùng thuốc tránh thai nhưng đi làm rẫy liên tục, lúc nhớ lúc quên nên vỡ kế hoạch nhiều lần”, anh Miêng nói.
Do người dân nhận thức hạn chế nên tình trạng sinh dày, sinh nhiều trên địa bàn Khánh Vĩnh vẫn diễn ra liên tục. Theo thống kê, năm 2018, tỷ suất sinh toàn huyện tăng 1,13‰ so với năm trước; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng 2,71%; tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại giảm, chỉ đạt 70,71%. Các xã như: Khánh Trung, Khánh Phú, Khánh Thượng… có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao. Đây là một thực tế đáng lo ngại về mục tiêu rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa đồng bằng và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Theo Khoa Dân số – Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, ngành Dân số huyện đã chủ động tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức chiến dịch truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền về lợi ích của việc thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ở các địa bàn có mức sinh cao và khó tiếp cận; xây dựng kế hoạch cụ thể tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kết hôn đúng độ tuổi cho người dân… Tuy vậy, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số thấp, chỉ thay đổi hành vi tạm thời, hoặc chưa hiểu rõ cách áp dụng đúng, dẫn đến thực hành sai nên sinh dày, sinh nhiều.
Tăng cường truyền thông
Ông Đặng Thanh Tuấn – Trưởng khoa Dân số cho biết, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình năm 2018 của huyện thực hiện không đạt nhiều chỉ tiêu, mức sinh tăng đột biến. Nguyên nhân do 75% người đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế nhiều về nhận thức. Hơn nữa, năm 2018 có nhiều thay đổi về tổ chức bộ máy trên toàn tỉnh. Các Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình sáp nhập về Trung tâm Y tế làm ảnh hưởng cách thức làm việc của cán bộ dân số. Kinh phí cấp không đảm bảo, đặc biệt kinh phí truyền thông hạn chế nên hoạt động dân số cấp huyện và cấp xã trở nên mờ nhạt. Nguồn phương tiện tránh thai Trung ương cấp chưa đảm bảo 50% nhu cầu người dân. Phụ cấp cộng tác viên dân số đã ít còn chậm, ảnh hưởng rất lớn đến sự nhiệt tình trong việc cập nhật, rà soát, tuyên truyền vận động người dân, trong đó có nhiều cộng tác viên đã bỏ việc. Tâm lý trông chờ, ỷ lại của đồng bào dân tộc thiểu số về việc có nhiều con để được hộ nghèo, được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước… cũng góp phần làm cho tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cao trở lại.
Chính vì vậy, để công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình chuyển biến tích cực trong năm 2019, huyện Khánh Vĩnh cần có sự vào cuộc chung tay của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, cần đưa ra được những giải pháp phù hợp với đặc thù vùng miền và tình hình địa phương; cần đầu tư kinh phí cho nguồn phương tiện tránh thai để cung cấp kịp thời cho người dân; duy trì các mô hình truyền thông có hiệu quả đối với miền núi như: thăm hộ gia đình, tư vấn nhóm nhỏ tại trạm, tại các cụm dân cư. Đặc biệt, cần ổn định tổ chức bộ máy xuyên suốt từ tỉnh đến xã và duy trì bền vững mạng lưới cộng tác viên… Có như vậy mới có thể nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi có hiệu quả cho người dân, giảm mức sinh, góp phần giảm sự chệnh lệch mức sinh giữa đồng bằng và miền núi, thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thiết Trang
Theo: Báo Khánh Hòa