Không chỉ đau đầu với việc quản lý các tour 0 đồng lẫn các điểm bán hàng chỉ phục vụ khách Trung Quốc (TQ) mọc lên ở nhiều nơi…, gần đây các cơ quan chức năng còn lúng túng với khách TQ tới Việt Nam (VN) nhưng sử dụng POS trái phép, không qua hệ thống ngân hàng VN để trốn thuế.
Đem máy từ Trung Quốc qua
Ông Cao Xuân Luật, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh, thừa nhận lượng khách TQ tới Quảng Ninh nhưng toàn bộ mua sắm của họ lại không qua hệ thống Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Bởi các ông chủ của các cửa hàng này là người TQ và mở máy thanh toán từ ngân hàng bên TQ.
“Khách TQ mua hàng quẹt thẻ và toàn bộ tiền hàng mua ở Quảng Ninh đều sang TQ, gây thất thu kiểm tra thuế, ngân sách rất lớn. Việc phát hiện thất thu, kiểm soát gặp khó khăn bởi các giao dịch mua hàng chủ yếu qua online. Chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành sớm có giải pháp tháo gỡ” – ông Luật kiến nghị.
Cũng theo ông Luật, mới đây lực lượng QLTT phối hợp với Thanh tra NHNN đã xử phạt hai công ty 900 triệu đồng. Nhưng khi QLTT phát hiện được, phải mời cán bộ của NHNN vì họ mới có thẩm quyền lập văn bản vi phạm xử lý trong lĩnh vực tiền tệ, sau đó chuyển lên Thanh tra NHNN. “Thẩm quyền xử phạt lĩnh vực tiền tệ thì tỉnh không có thẩm quyền mà phải là NHNN. Đây là khó khăn của chúng tôi” – ông Luật nêu thực tế.
Trước đó không lâu, một điểm bán hàng tại TP Hạ Long, Quảng Ninh bị phát hiện chuyển trên 200.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 700 triệu đồng, tiền bán hàng cho khách TQ về TQ qua hệ thống máy POS. Ba máy này đều đem từ TQ sang, không đăng ký thanh toán qua hệ thống ngân hàng VN. Cơ quan chức năng xác định hành vi mua bán thông qua máy POS của các cửa hàng này nhằm trốn thuế .
Đáng báo động là không chỉ ở Quảng Ninh mà tình trạng sử dụng POS trái phép để bán hàng bằng tiền nước ngoài, sau đó chuyển ngoại tệ trái phép ra khỏi lãnh thổ VN còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Trong đó nhiều nhất là ở các địa phương xuất hiện các tour du lịch 0 đồng khép kín với các cửa hàng chỉ bán cho người TQ như Nha Trang hay Đà Nẵng.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng sử dụng máy POS lậu tại Quảng Ninh. Ảnh: ĐH
Liên tục biến tướng
Các cơ quan chức năng đều khẳng định: Theo quy định hiện hành, các máy POS muốn hoạt động tại VN phải được ngành ngân hàng trong nước chấp thuận và kết nối với các trung tâm thanh toán để quản lý dòng tiền. Việc nhập khẩu máy POS phải có giấy phép và phải đăng ký sử dụng thông qua hệ thống ngân hàng trong nước.
Bên cạnh đó, máy POS hợp pháp cũng chỉ chấp thuận một số ít thẻ quốc tế tại VN để kiểm soát dòng tiền ngoại tệ ra vào, tránh chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài.
Do đó, bản chất của thanh toán “chui” là du khách TQ sử dụng thẻ ngân hàng do ngân hàng nước họ phát hành để quẹt trên thiết bị POS có kết nối trực tiếp với ngân hàng thanh toán tại nước ngoài hoặc sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động như Alipay, Wechat Pay để thanh toán bằng QR Code.
Khách TQ chỉ cần quẹt thẻ ở máy POS hoặc sử dụng các ứng dụng AliPay, Wechat Pay để thanh toán tại chỗ. Chủ cửa hàng chỉ cần có tài khoản tại TQ là có thể nhận tiền hoặc chuyển tiền lậu từ VN sang TQ và ngược lại.
Đáng chú ý, chỉ với một máy POS được đem bí mật từ TQ sang có gắn SIM 3G VN, việc thanh toán bằng thẻ tín dụng có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu và tiền chuyển thẳng về TQ… Do đó, với máy POS hoạt động “chui” sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy.
Tuy vậy, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Chi nhánh NHNN tại Quảng Ninh, cho hay các hình thức thanh toán trốn thuế liên tục biến tướng, máy POS chỉ là một hình thức. “Ban đầu họ chỉ chuyển tiền vào bình thường, tiếp đó thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ không dây. Sau đó họ lại tiến tới mã QR… Việc này gây nhiễu loạn các hình thức thanh toán, một lượng tiền thuế rất lớn bị thất thoát”- ông Thạch nêu thực tế.
Không biết phải “tăng cường” như thế nào
Ông Nguyễn Văn Thoại, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, cho hay các cửa hàng thanh toán bất hợp pháp đa số có người cảnh giới, rất khó phát hiện, xử lý được việc thanh toán trái pháp luật. “Hàng hóa thì người ta khó cất giấu đi nên chúng tôi kiểm tra được nhưng các hình thức thanh toán tinh vi rất khó phát hiện” – ông Thoại thừa nhận.
Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán NHNN, VN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý đối với việc sử dụng trái phép các thiết bị POS, đặc biệt là thanh toán qua các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện thoại di động trái phép. “NHNN đã tích cực và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu và đề xuất các biện pháp xử lý vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, TP báo cáo UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn phối hợp để tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của hệ thống cửa hàng này để xử lý triệt để vấn đề” – lãnh đạo Vụ Thanh toán NHNN cho hay.
Tuy vậy, đại diện QLTT Đà Nẵng nhìn nhận trong văn bản chỉ đạo điều hành hiện nay đều yêu cầu lực lượng QLTT phải tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng thực tế thì không rõ sẽ phải tăng cường kiểm tra, giám sát ra sao. “Thực thi thì lại không hiệu quả. Đáng lý việc kiểm tra này phải có sự tham gia của phía thanh tra ngân hàng sẽ thuận lợi hơn” – vị này nêu.
Xuất hiện nhiều cửa hàng khép kín
Ghi nhận của PV cho thấy nhiều cửa hàng tại Đà Nẵng khép kín, chỉ tiếp khách tour được các xe du lịch chở đến mọc lên nhan nhản khắp TP, nhất là địa bàn hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, nhận định các doanh nghiệp du lịch đưa khách đến các cơ sở dịch vụ khép kín, sử dụng người nước ngoài hoạt động trái phép, bán hàng hóa không rõ xuất xứ, kém chất lượng với giá cao hơn thực tế.
Một trong những vấn đề nhức nhối đặt ra là việc du khách trong tour 0 đồng thanh toán qua thẻ ngân hàng nội địa, chuyển tiền trực tiếp về nước sở tại. Thế nhưng việc quản lý các giao dịch thanh toán và thu thuế gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Tấn Việt
Theo Chân Luận – Đỗ Hoàng
Pháp luật TPHCM
Theo: Dân Trí