7 ngày, 5 tỉnh, 4 chặng bay và một chuyến tàu đêm là hành trình trải nghiệm của phóng viên Zing.vn cùng Hoàng Lê Giang và Tâm Bùi – hai người truyền cảm hứng xê dịch, dám làm lớn.
H
oàng Lê Giang vừa chinh phục thành công đỉnh núi Elbrus, nơi được mệnh danh là nóc nhà châu Âu. Một tuần sau đó, trong con phố nhỏ ở Sài Gòn, travel blogger Tâm Bùi cũng giới thiệu cuốn sách du lịch đầu tay – Bụi đường tuổi trẻ.
Hai câu chuyện dường như không liên quan gì đến nhau nhưng lại có nhiều điểm tương đồng thú vị. Hoàng Lê Giang, Tâm Bùi đều có niềm đam mê bất tận với du lịch. Họ truyền cảm hứng cho bạn trẻ bởi bản lĩnh, tài năng, dám nghĩ lớn, làm lớn và gặt hái được những thành công nhất định từ đam mê.
Rồi một lần tình cờ mà nên duyên, tôi đi cùng họ trong một hành trình từ Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển. Với tôi, đó là một tuần đi liên tục và trải nghiệm những điều tưởng quen mà vẫn đủ lạ để hào hứng khám phá.
Lộ trình sẽ theo thứ tự: Sài Gòn – Hà Nội – Cao Bằng – Điện Biên – Nha Trang. Chúng tôi mất khá nhiều thời gian di chuyển cho điểm đến đầu tiên. Từ Hà Nội, đoàn phải đi xe khách lên Cao Bằng sau đó đi về trong ngày để kịp chuyến bay đi Điện Biên. Chặng cuối Sài Gòn – Nha Trang chúng tôi quyết định đi tàu để có thêm trải nghiệm.
Trước chuyến đi, cả đoàn gặp mặt để thống nhất một số vấn đề. Hoàng Lê Giang khuyến cáo mọi người nên mang hành lý gọn gàng, hạn chế quần áo, máy móc cồng kềnh.
Tôi cứ sắp vào rồi bỏ ra chiếc DLSR và ống kính đến mấy lần vì chưa bao giờ tin smartphone có thể thay thế máy ảnh. Nhưng vì chuyến đi phải di chuyển quá nhiều, tôi quyết định chỉ mang theo một chiếc điện thoại.
Cuối cùng thì lựa chọn của tôi cũng không tồi, tất cả hình ảnh, video trong bài viết này đều được tôi quay chụp bằng Samsung Galaxy Note 8.
C
huyến bay ra Hà Nội bị delay, chúng tôi phải tranh thủ đi ngay trong đêm để kịp đến Cao Bằng vào buổi sáng. Điểm đến đầu tiên là thác Bản Giốc, đây cũng là ngày vất vả nhất vì cả đoàn phải ngủ trên xe cả đi lẫn về, chỉ ở lại Cao Bằng một buổi sáng rồi về trong chiều cùng ngày.
Mặc dù đã quen biết trước nhưng chúng tôi vẫn phải bắt đầu bằng những chuyện rất chung chung như dò bản đồ xem chúng tôi còn cách thác Bản Giốc bao xa. Được một lúc thì mọi người bắt đầu ngủ để lấy sức.
Đêm ở đây khá lạnh, có lúc thời tiết xuống dưới 20 độ C. Qua cửa kính ôtô, tôi chỉ thấy leo lắt mấy ánh đèn đường, nhà cửa hai bên đường thưa thớt.
Tiếng thác đổ ào ào đánh tức chúng tôi dậy.
Trong chuyến đi, các phượt thủ không quên tận dụng tính năng Live Messages để tạo ra những bức ảnh động vui nhộn, sáng tạo. |
Buổi sáng miền sơn cước se lạnh, sương mai vẫn giăng mờ trên mấy con đèo nhỏ uốn cong. Tiếng vó ngựa lóc cóc vọng lại ngày càng gần, dưới đường vợ chồng người dân tộc Tày đang chở hàng ra chợ.
Ở đây người dân luôn cắm cờ đỏ trước nhà, dọc hai bên đường. Cô chủ quán bán đồ ăn sáng người Nùng nói trẻ con ở đây đều nói được tiếng Kinh, tiếng Hoa bên cạnh tiếng mẹ đẻ.
Thác Bản Giốc rất lớn, một nhánh thuộc về địa phận của nước bạn, nhánh nhỏ hơn nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Con suối ở chính giữa là đường biên giới tự nhiên giữa hai nước.
Hoàng Giang chỉ cho tôi những đoàn thuyền chở khách nối đuôi nhau dưới chân thác nói: “Toàn là thuyền chở khách của Trung Quốc, bến bên đấy thuyền ra vào nườm nượp, bên mình đậu đấy cho có chứ đâu ai đi”.
Bên này thác Bản Giốc, chỉ vài chiếc thuyền nhỏ neo đâu, người chèo thuyền đi quanh ngả giá nhưng cả buổi vẫn không ai đi. Du khách Việt đến đây đa phần chỉ để chụp hình chung với thác nước rồi về, không có nhu cầu tìm hiểu nhiều hơn về địa lý hay lịch sử.
Là những người đi đây đó nhiều, Tâm Bùi, Hoàng Lê Giang không giấu được vẻ tiếc nuối về du lịch biên giới, chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều bằng cách tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn về các di tích, địa danh, cải tạo cơ sở vật chất hay đơn giản hơn là làm thêm các bảng thôn tin, dấu mốc lịch sử liên quan đến nơi đây.
Trái với hình ảnh gầm gừ ngày đêm của những thác nước, bên trong là khung cảnh bình yên với cánh đồng lúa vừa gặt xong, xa xa là đàn trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ ven lối đi.
Chúng tôi chỉ có một buổi ở lại thác Bản Giốc, đầu giờ chiều xe bắt đầu di chuyển về Hà Nội để kịp chuyến bay sớm lên Điện Biên.
C
húng tôi về đến Hà Nội lúc nửa đêm, dưới đường thi thoảng vang vẳng tiếng rao “ai xôi khúc, xôi xéo không?”. Bóng người phụ nữ đổ dài trong đêm, chậm rãi dắt chiếc xe đạp với thúng xôi phía sau khuất dần dưới ánh đèn leo lắt. Cuối con phố, hoa sữa vẫn thoang thoảng thứ mùi đặc trưng, quyện vào trong đêm tạo thành một thứ gì đó rất đặc trưng, rất Hà Hội.
Sau 2 ngày di chuyển liên tục, những con phố cổ giờ là thứ sa xỉ, không thực tế bằng một giấc ngủ vùi cho hành trình sắp tới.
Điện Biên không quá lớn, từ sân bay về trung tâm thành phố chỉ mất dăm cây số. Chúng tôi nhận phòng, đi ăn trưa rồi di chuyển ra đồi A1 cho kịp lịch trình. Điện Biên không có nhiều khu vui chơi, chủ yếu là các di tích lịch sử quanh trận Điện Biên Phủ năm xưa.
Nếu có cơ hội, bạn nên một lần đến Điện Biên, thăm từng di tích và đối chiếu với những gì được học trong sách vở.
Mọi nơi tôi ghé qua đều phảng phất thứ gì đó rất đỗi linh thiêng, từng tất đất dưới chân đều phải đánh đổi bằng máu và mạng sống của bao thế hệ cha anh. Cách Hố bộc phá hình hoa loa kèn vài trăm mét là hơn 600 ngôi mộ vô danh. Duy chỉ có bốn ngôi mộ lớn có bia khắc đủ họ tên là của các anh hùng: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót và Trần Can.
Tôi vốn hạn chế chụp ảnh, quay phim ở những nơi thế này nên phần lớn thời gian của tôi ở những di tích này là để tìm hiểu và nghĩ suy, những ý nghĩ rất khó gọi tên.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi đến thăm đồi D1, nơi đặt tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra xa là cánh đồng Mường Thanh với những cánh đồng thẳng cánh cò bay
Đoàn di chuyển tiếp đến nóc hầm Đờ Cát, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không lớn như tôi tưởng tượng. Tất cả đều được phục dựng và trùng tu khá tốt, từng vị trí dưới hầm đều có mô tả chi tiết công dụng cũng như những dấu tích lịch sử.
Rời hầm Đờ cát, chúng tôi ghé một chợ nhỏ của người Điện Biên. Đường vào chợ là một cây cầu gỗ bắc qua sông.
Ở đây, đâu đâu cũng mang dấu tích của cuộc chiến vệ quốc. Đầu cổng chợ người ta đặt một khẩu pháo cũ, ngọn phái chĩa thẳng về hướng đồi D1.
Có lẽ chợ là nơi tôi thấy thoải mái nhất trong chuyến đi này. Mọi người vào chợ tìm mua ít đặc sản, còn tôi lân la nói chuyện với mấy người đồng bào. Tôi mua bó rau, rồi gửi lại vì mang về cũng chẳng làm gì. Đồng bào mình ở đâu cũng thật thà, chân chất. Ở đây chủ yếu là người Thái, H’Mông, Dao.
Phụ nữ thường đem cả con nhỏ ra chợ, đồ đạc chủ yếu là rau củ nhà trồng, người già thì bán mấy đồng bánh dầy hay mấy cái giỏ đựng cá.
Buổi chiều chúng tôi đi tiếp vào hồ Pá Khoang. Hồ cách trung tâm thành phố khoảng 20 Km nhưng đường đi quanh co nên chúng tôi phải mất cả tiếng mới đến nơi. Hồ Pá Khoang nằm ẩn mình giữa 4 mặt là núi đồi, mặt nước 4 mùa đều trong xanh.
Bên kia hồ có một hòn đảo nhỏ mang tên rất đặc biệt, đảo hoa Đà Lạt. Ở đây trồng rất nhiều loài hoa quý được đem từ Đà Lạt về, chủ yếu là hoa Lan.
Chúng tôi không ở lại hồ Pá Khoang lâu vì chiều tối đường rất khó đi. Đường đi trắc trở nhưng nó cho chúng tôi cảm giác đang đi “phượt” chứ không phải thăm thú di tích lịch sử, “bộ môn” vốn không được giới trẻ yêu thích nhiều.
Sáng hôm sau chúng tôi bay từ Điện Biên ra Hà Nội, sau đó bay tiếp vào Sài Gòn để đón tàu đi Nha Trang vào tối cùng ngày.
N
hững ngày này Nha trang vẫn rất bình yên, biển xanh, cát trắng, nắng vàng, không ai ngờ rằng những ngày sau đó lại có một cơn bão tồi tệ đến vậy.
Chúng tôi quyết định đến biển Sơn Đừng vì nơi đây còn hoang vu, ít người đặt chân đến. Đây là bãi tắm nhỏ nằm trong vinh Vân Phong, Nha Trang. Từ trung tâm thanh phố tới Sơn Đừng khoảng 3 tiếng đi xe ôtô, đường mới, rộng và rất ít người qua lại.
Điểm hấp dẫn duy nhất ở Sơn Đừng là bãi biển còn hoang sơ, hệ thống rừng nguyên sinh được giữ gần như nguyên vẹn. Biển ở Sơn Đừng chuyển dần từ xanh lá sang màu trời khi ra xa bờ.
Cát ở Sơn Đừng rất mịn, trắng bờ biển cạn, sóng êm có thể thoải mái bơi lội. Chúng tôi thuê thuyền kayak, chèo ra một bè lớn để chụp hình. Nếu so với biển Bình Ba, Bình Hưng thì Sơn Đừng không đẹp và rộng bằng. Đổi lại ở đây rất yên tĩnh, hoang sơ.
Trên đường về, chúng tôi dùng lại ở gần một ngôi làng nhỏ. Ánh chiều tà phủ lên mặt biển một thứ nắng vàng đầy mê hoặc. Xa xa mấy con thuyền vừa cập cảng, trong bờ, một người đàn ông làng chài đang rửa mấy món đồ trên chiếc bè nhỏ.
Đêm trước cơn bão, mọi thứ bình yên đến lạ.
Buổi tối về khách sạn, chúng tôi hoàn thành nốt những công việc còn dở dang của cả đoàn. Tổng kết lại chuyến đi bằng một chầu xem phim.
Ngày cuối ở Nha Trang, chúng tôi thử sống một ngày không dùng tiền mặt xem thế nào. Hoàng Lê Giang đặt 8 vé xem phim lúc 21h, thanh toán qua thẻ. Chúng tôi bắt taxi ra rạp chiếu phim và thanh toán bằng Samsung Pay. Tài xế ở đây có vẻ chưa quen với hình thức thanh toán bằng smartphone.
Hầu hết cửa hàng lớn ở Nha trang đã cập nhật hình thức thanh toán mới này. Trong lúc chờ đến giờ chiếu, chúng tôi tìm được một quán cho phép thanh toán bằng Samsung Pay ngay gần đó.
Phim hơi dài, chúng tôi ngồi liên tục hơn 2 tiếng đồng hồ. Ra về thì cả thành phố như đã đi ngủ, chờ mãi mới bắt được taxi về khách sạn. Sáng hôm sau cả đoàn dậy sớm, di chuyển ra sân bay về về Sài Gòn, kết thúc hành trình 7 ngày với nhiều trải nghiệm thú vị.
Theo: Zing