Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến năm 2020, trên toàn quốc đã có 6.851 người tham gia chương trình tư vấn cai thuốc lá, trong đó có 1.111 người đã cai nghiện thành công.
Nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020 (PGATS) do Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội thực hiện cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020.
Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL): Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tổ chức các hoạt động hoặc thành lập các loại hình cơ sở để tư vấn, cai nghiện thuốc lá. UBND các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cai nghiện và tư vấn cai nghiện thuốc lá. Nghị định số 77/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật PCTHTL về một số biện pháp thi hành Luật PCTHTL đã quy định chi tiết các điều kiện tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá. Từ năm 2015 đến nay, các hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá chủ yếu được thực hiện thông qua sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL, với việc thành lập và hoạt động của các phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá và đường dây tư vấn cai thuốc lá miễn phí.
Năm 2015, Quỹ PCTHTL đã hỗ trợ thành lập Tổng đài miễn phí tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại 2 khu vực, phía bắc đặt tại Bệnh viện Bạch Mai (TP. Hà Nội, số tổng dài tư vấn 1800 – 6606) và phía nam tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP. Hồ Chí Minh, số tổng đài tư vấn 1800 – 1214). Mô hình điểm về tư vấn cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng cũng đã được triển khai. Bước đầu, thông qua một số hoạt động lồng ghép thí điểm phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá vào phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản tại một số cơ sở y tế tuyến huyện; thí điểm mô hình cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế xã, phường thuộc tỉnh Thái Nguyên (2014-2017); xây dựng và thử nghiệm tính phù hợp và khả thi của hệ thống tin nhắn điện thoại hỗ trợ cai thuốc lá tại Việt Nam (2017-2019). Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu về công tác tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá cũng được Quỹ PCTHTL quan tâm và triển khai. Từ năm 2015, quỹ đã hỗ trợ Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) trung ương triển khai nghiên cứu thử nghiệm một số phương pháp YHCT hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá như: Phương pháp dùng thuốc (trà nhúng hỗ trợ bỏ thuốc lá) và phương pháp không dùng thuốc (dán nhĩ áp kết hợp xoa bóp bấm huyệt). Các bài thuốc/phác đồ YHCT đang được nghiên cứu theo quy trình để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để từng bước người dân có thể tiếp cận và tăng khả năng cai nghiện thuốc lá thành công. Các nghiên cứu liên quan đến cai nghiện thuốc lá và sử dụng thuốc lá, mô hình bệnh tật, hiệu quả các biện pháp cai nghiện thuốc lá cũng được triển khai để nâng cao hơn chất lượng dịch vụ và hiệu quả công tác cai nghiện thuốc lá.
Công tác đào tạo, nâng cao năng lực về tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá cũng đã được triển khai. Cuối năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành bộ tài liệu hướng dẫn tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá, sổ tay hướng dẫn tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá, hỏi đáp về cai nghiện thuốc lá. Các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực tư vấn cai nghiện thuốc lá cho các nhân viên y tế cũng đã đươc triển khai. Trong 5 năm qua, đã có 1.000 giảng viên nòng cốt và hơn 2.330 cán bộ y tế tại 63 tỉnh, thành phố được đào tạo và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa tập huấn chuyên sâu về cai nghiện thuốc lá.
Bộ Y tế cũng nhận định, có một số khó khăn triển khai hoạt động cai nghiện thuốc lá đó là: Nghiện thuốc lá là một bệnh nhưng chưa có chính sách khuyến khích các cơ sở y tế triển khai tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá; thiếu các loại thuốc thiết yếu trong điều trị nghiện thuốc lá; kinh phí triển khai hoạt động tư vấn, điều trị cai nghiện chủ yếu do Quỹ PCTHTL hỗ trợ. Hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, còn lại hầu hết bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện, kể cả đa số bệnh viện chuyên khoa lao phổi tuyến tỉnh chưa tổ chức được hoạt động cai nghiện. Như vậy, hoạt động tư vấn cai nghiện còn chưa được triển khai toàn quốc, hạn chế tiếp cận đối với người dân, đặc biệt là người mắc những bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Hoạt động cai nghiện thuốc lá còn khó khăn về cơ chế, kinh phí thực hiện, đội ngũ bác sĩ còn thiếu về số lượng, quá tải trong hoạt động chuyên môn nên không tập trung bố trí thời gian cho hoạt động tư vấn cai nghiện. Người mắc bệnh liên quan đến thuốc lá không hợp tác trong việc cai nghiện nên tỷ lệ cai nghiện thành công còn thấp. Hạn chế về nhận thức của người dân về lợi ích của cai nghiện thuốc lá; nhân lực tham gia chủ yếu là cán bộ y tế kiêm nhiệm do đó khó khăn trong theo dõi hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình cai nghiện thuốc lá; chưa có chính sách phụ cấp, tiền công cho nhân viên tư vấn và cán bộ y tế kiêm nhiệm.
Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)