Dù đã ngoài 70 tuổi, kinh tế gia đình khá giả, nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Tường (thôn Lam Sơn, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) vẫn miệt mài lao động. Với mô hình nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao rất hiệu quả, 10 năm qua, ông liên tục là gương CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Mạnh dạn chuyển đổi

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ngoài việc tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở (nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Cam Thành Bắc), ông Tường luôn nỗ lực trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, từng bước đẩy lùi cái khó, cái nghèo. Ban đầu, ông chọn mô hình nuôi heo để phát triển kinh tế, nhưng sau nhiều lần heo bị dịch bệnh, giá cả bấp bênh khiến ông lâm vào cảnh lao đao. Ông đã trăn trở tìm tòi và chọn cho mình một hướng đi mới, đó là mô hình chăn nuôi gà đẻ công nghệ cao.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Ông Tường hướng dẫn nhân công thu hoạch trứng gà.

Ông Tường hướng dẫn nhân công thu hoạch trứng gà.

Sau khi tìm hiểu kỹ về tính hiệu quả kinh tế và vấn đề đảm bảo môi trường của mô hình nuôi gà bằng trại lạnh, năm 2008, ông Tường quyết định đi tham quan và học tập mô hình này của “vua gà” Tám Lợi ở xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Sau 1 tháng học tập tại đây, ông trở về cùng 1 kỹ sư và 3 công nhân từ Hà Nội vào hỗ trợ ông về kỹ thuật thi công xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống thiết bị và kỹ thuật pha trộn thức ăn cho gà. Ông đã mạnh dạn vay ngân hàng 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 1 trại với quy mô 3.000 con, bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2009.

Hiệu quả cao

Từ thành công bước đầu, ông Tường tin rằng mô hình nuôi gà theo công nghệ mới sẽ là một hướng đi triển vọng bởi hiệu quả cao và có tính bền vững. Vì thế, từ năm 2010 đến 2012, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng nhiều tỷ đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 2 trại nuôi gà đẻ và 1 trại nuôi gà dự bị. Hiện tại, mỗi ngày, các trại gà của ông cho sản phẩm hơn 10.000 quả trứng, tính thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm.

Theo ông Tường, giống gà ông nuôi có xuất xứ từ Đức, với đặc tính sức đề kháng cao, chất lượng thịt và trứng cao, được thị trường ưa chuộng nên số lượng trứng sản xuất bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, kể cả số gà mái sau khi hết thời gian khai thác cũng được các công ty ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu. Nhờ tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật các khâu chăm sóc, đặc biệt là khâu tự chế biến thức ăn cho gà hoàn toàn từ các loại thực vật như cám gạo, bột bắp, đậu nành, dầu ăn… nên 10 năm qua, trang trại của ông chưa từng xảy ra dịch bệnh, việc chăn nuôi rất thuận lợi.

Ngoài cho thu nhập cao, hiện tại, trang trại gà của ông Tường còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương với mức lương hơn 4 triệu đồng/người/tháng và bao ăn, ở. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều CCB và người dân trên địa bàn cũng như các tỉnh khác đến học tập kinh nghiệm đều được ông nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ, đặc biệt là cách pha trộn thức ăn cho gà do ông học hỏi được từ một công ty chế biến thức ăn gia súc của Đức.

Ông Nguyễn Văn Thư – Chủ tịch Hội CCB xã Cam Thành Bắc cho biết: “Tuy đã lớn tuổi nhưng ông Tường vẫn luôn nỗ lực trong lao động sản xuất, là tấm gương sáng cho các hội viên CCB học tập. Ngoài ra, thời gian qua, ông đã giúp đỡ nhiều hội viên khác cùng vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.

THẾ ANH
 

Theo: Báo Khánh Hòa