Ngày 25-11, Hội Trí thức tỉnh tổ chức hội thảo Thực trạng ô nhiễm môi trường du lịch Nha Trang – Khánh Hòa và phát triển bền vững. Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ lo ngại trước tốc độ phát triển du lịch quá “nóng”, môi trường du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đang bị suy giảm…
Những vấn đề cần được quan tâm
Theo định hướng của tỉnh, phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; phát triển đảm bảo hài hòa để tạo dựng môi trường xanh – sạch – đẹp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đầu tư các dự án du lịch cũng như sự gia tăng quá nhanh lượng khách du lịch… đã khiến môi trường du lịch của Khánh Hòa bị suy giảm. Tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại khi việc xây dựng hàng loạt khách sạn cao tầng dọc bờ biển TP. Nha Trang, các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên đảo… đã làm thay đổi đáng kể cảnh quan ven vịnh Nha Trang. Ông Bùi Minh Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc triển khai các dự án lấn biển đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, nhất là các thảm cỏ biển, san hô; các hoạt động như lặn biển ngắm san hô cũng gây hư hại, suy giảm hệ sinh thái san hô.
Bên cạnh đó, sự phát triển của du lịch đã kéo theo nhiều hệ lụy như: chất thải từ hoạt động du lịch ở Nha Trang – Khánh Hòa ngày một tăng nhanh; tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên ở các tuyến đường chính; rác thải và tiếng ồn theo chân du khách đến khắp nơi, cộng thêm thói quen xả rác của người dân đã khiến môi trường sống bị ô nhiễm, sức hấp dẫn của du lịch Nha Trang – Khánh Hòa bị suy giảm. Theo Tiến sĩ Châu Văn Luận – nguyên Cục trưởng Cục Thống kê, kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, có đến 48,2% khách quốc tế đến Khánh Hòa không hài lòng về độ an toàn khi tham gia giao thông tại Nha Trang; 29% du khách có ấn tượng không tốt với thói quen xả rác bừa bãi của người dân; 28,7% du khách cảm thấy bị làm phiền bởi người bán hàng rong; 24,1% du khách than phiền về việc bị gian lận khi mua hàng hóa, dịch vụ. Đáng chú ý, tỷ lệ du khách không hài lòng về độ an toàn khi tham gia giao thông ở Khánh Hòa cao hơn Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang…; tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại của Khánh Hòa cũng thấp hơn nhiều tỉnh, thành khác.
Hướng đến phát triển bền vững
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lộc – nguyên Giám đốc Sở Xây dựng nhận định, một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến du lịch Nha Trang – Khánh Hòa phát triển thiếu bền vững, môi trường du lịch bị suy giảm là do không tuân thủ quy hoạch đã đề ra. Ông Lộc đề nghị tỉnh cần rà soát và thực hiện các dự án theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, bảo vệ cảnh quan môi trường… để Nha Trang thực sự là “đô thị du lịch”. Trong khi đó, ông Châu Văn Luận kiến nghị tỉnh cần dành thêm quỹ đất để xây dựng công viên; sớm kêu gọi xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, chấm dứt việc chôn lấp chất thải; tuyên truyền vận động người dân thu gom rác thải…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, môi trường du lịch Khánh Hòa bị suy giảm là do ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số cơ sở du lịch chưa tốt; khách du lịch chưa chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ môi trường tại các điểm tham quan, nhất là trong dịp lễ, Tết; thiếu các cơ chế chính sách để đảm bảo môi trường du lịch (ứng dụng khoa học công nghệ đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch, phát triển du lịch xanh). Nhiều đại biểu kiến nghị, Khánh Hòa cần phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, từng bước hướng đến phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường; tăng cường xử lý các vi phạm về môi trường trong hoạt động du lịch; xây dựng các mô hình du lịch thân thiện với môi trường…
Tham dự hội thảo, ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời cho biết sở đang xây dựng đề án Tái cơ cấu du lịch Khánh Hòa hướng đến phát triển bền vững, trong đó sẽ tập trung giải quyết 4 vấn đề lớn: Sản phẩm du lịch, không gian du lịch, thị trường khách, nguồn nhân lực.
XUÂN THÀNH