Từ những con bò gầy ốm, trong vòng 3 tháng được chăm sóc đã tăng trọng hàng chục kg, thu nhập hàng chục triệu đồng/con. Đây là nghề đang mang lại thu nhập cao cho nông dân nên cần được hỗ trợ để phát triển.
Thu nhập cao từ việc chăm bò
Chúng tôi đến trại nuôi bò của anh Phan Ngọc Hiếu (thôn Đá Mài, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh). Trại khá khang trang với kho rơm rộng 300m2, chuồng trại rộng 500m2, khu trồng cỏ 1ha, hàng chục con bò vạm vỡ, khỏe khoắn, đang ung dung nhai cỏ.
Anh Hiếu cho biết, những ngày rong ruổi mua bán bò giúp anh nhận ra, nếu mua bò gầy về vỗ béo thì sẽ sinh lời cao hơn so với việc mua đi bán lại. Hiện nay anh đã trở thành người vỗ béo bò chuyên nghiệp. Nghề này khó nhất không phải chuyện kỹ thuật mà là nguồn cung, bởi Khánh Hòa không có nhiều bò gầy. Mọi năm, ăn Tết xong là anh phải vào chợ Gò Chuối (Long An) để mua bò, bởi ở đây có nguồn hàng dồi dào nhất từ Campuchia đưa sang.
Việc đầu tiên sau khi đưa bò về là tẩy giun sán, rồi tiêm phòng các loại vắc xin như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Sau đó, hàng ngày chăm sóc, cho ăn đầy đủ theo công thức: sáng rơm, chiều cỏ và cám thực phẩm kết hợp tắm rửa, vệ sinh cho bò. “Bò tăng trọng ít nhất 10 – 15kg/tháng. Thậm chí những con lúc đầu gầy trơ xương, nhưng chỉ một thời gian sau là béo núc. Sau 3 tháng, bình quân 1 con cho lãi 10 – 15 triệu đồng. Một năm nuôi 4 lứa, trừ hết chi phí lãi ròng 500 – 600 triệu đồng”, anh Hiếu chia sẻ.
Ban đầu, anh Đinh Thái Tài (Cam Hải Tây, Cam Lâm) cũng gắn bó với nghề vỗ béo bò bằng việc mua bán bò. Nhưng khác một tí là bò mua về nếu ai ưng ý, có lời là anh bán ngay. Chị Trần Thị Liên – vợ anh Tài cho biết, ngoài cỏ tươi, rơm khô, hàng ngày chị còn nấu thêm cháo. Không chỉ cám, tấm gạo mà còn bổ sung bột cá, bột thịt, vỏ sò, vitamin… cho bò tăng trọng nhanh. Nghề này khá nhàn vì không phải mất công chăn dắt. Nếu ai có kho dự trữ rơm, cỏ thì càng nhàn hơn. Sau 1 năm, trừ hết chi phí cũng kiếm được trăm triệu đồng.
Hiệu quả bước đầu
Năm 2018, toàn tỉnh có 18 hộ tham gia mô hình với 36 con bò tại các địa phương: Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh và Nha Trang. Mô hình hướng dẫn nông dân kỹ thuật, cấp phát thuốc tẩy giun sán và thức ăn hỗn hợp, tổng kinh phí 3,7 triệu đồng/con, trong đó nông dân đối ứng 70%. Sau 3 tháng, một con bò có trọng lượng trung bình 365kg, tăng 76kg. 1 công lao động có thể nuôi vỗ 5 bò, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. |
Nhận thấy mô hình vỗ béo bò có nhiều ưu thế, Trung tâm Khuyến nông đã lựa chọn đưa vào chương trình hỗ trợ nông dân hàng năm. Theo kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn – chủ nhiệm mô hình: Vỗ béo bò rất quan trọng, làm tăng hiệu quả chăn nuôi do tăng khối lượng và phẩm chất thịt, lại sử dụng nguồn thức ăn là phế, phụ phẩm ngành nông nghiệp như rơm rạ, cỏ nên ít tốn kém và hiệu quả cao. “Tại Phú Yên, nghề vỗ béo bò phát triển mạnh, mang lại thu nhập khá cao nên nông dân rất an tâm và mạnh dạn phát triển. Khánh Hòa không phải là không có điều kiện phát triển nghề này nhưng do nông dân Khánh Hòa chưa có thói quen nuôi bò vỗ béo nên nghề này chưa phát triển”, anh Sơn chia sẻ.
Ông Ngô Đức Hiền (thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây), người tham gia mô hình nuôi vỗ béo bò do trung tâm chuyển giao cho biết: “Mấy tháng trước, tôi tham gia mô hình vỗ béo bò theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Sau 3 tháng, bò tăng trọng gần 50kg, tổng trọng lượng gần 200kg, tôi bán được 25 triệu đồng. Đây là mô hình hay rất cần khuyến khích vì nông dân không chỉ nhàn mà còn tăng thu nhập”.
Theo anh Sơn, nuôi bò vỗ béo hiện nay là xu hướng bởi diện tích đất đai ngày càng thu hẹp, môi trường ô nhiễm, không còn đồng cỏ để chăn dắt. Nuôi bò vỗ béo sẽ giúp nông dân tiết kiệm được đất đai, chi phí, thời gian, đem lại lợi nhuận cao. Hiện nay, các mô hình nuôi bò vỗ béo tại Khánh Hòa bước đầu đã đạt hiệu quả nhất định nhưng vẫn còn hạn chế, đặc biệt là về mặt kỹ thuật. Chính vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm để nông dân phát triển nghề này.
V.LẠC
Theo: Báo Khánh Hòa