Vĩnh Phúc là địa phương có số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (2019-nCoV) cao nhất trên toàn quốc với 7 trên tổng số 12 ca.

Việc xuất hiện chùm ca bệnh ở tỉnh Vĩnh Phúc dương tính với nCoV, đặc biệt có người tiếp xúc với bệnh nhân cũng bị lây nhiễm đã khiến cộng đồng lo lắng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có những chia sẻ về tình hình dịch bệnh 2019-nCoV cũng như những kế hoạch khẩn cấp về phòng chống dịch đang được triển khai trên toàn quốc, đặc biệt là tại khu vực tâm điểm của dịch.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

– Thưa Thứ trưởng Bộ Y tế, Vĩnh Phúc hiện nay đang được xem như tâm điểm của dịch bệnh do virus corona khi liên tiếp thời gian gần đây xuất hiện những ca bệnh mới trong cộng đồng. Liệu đây có phải là một ổ dịch?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi coi đây là nơi có thể xuất hiện thêm các ca bệnh khác. Bởi vậy, Bộ Y tế đã tiếp tục cử các đoàn công tác tới tỉnh Vĩnh Phúc làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh để tiến hành các biện pháp. Chúng tôi coi đây là một ổ dịch, tiến hành khoanh vùng và lập danh sách cách ly triệt để tại nhà toàn bộ những người tiếp xúc với bệnh nhân.

Chúng tôi cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành thêm một vòng cách ly nữa đó là với trường hợp người tiếp xúc với người tiếp xúc, mặc dù những người tiếp xúc kia khi chưa có bất cứ một biểu hiện gì. Tuy nhiên việc cách ly được mở rộng thêm các đối tượng để đảm bảo khống chế kiểm soát tốt nhất.

Tôi được biết Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc rất quyết liệt, rất quan tâm tới vấn đề này. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng các sở ngành đã họp liên tục chỉ đạo các cấp vào cuộc quyết liệt. Thời điểm hiện nay Vĩnh Phúc đã triển khai tất cả các biện pháp cần thiết trong việc khoanh vùng.

– Có ý kiến cho rằng 7-10 ngày tới là đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona tại Trung Quốc, ông nhận định thế nào về việc này?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chúng ta không đánh giá tình hình dịch tại Trung Quốc vì không đủ dữ liệu và thông tin về tình hình dịch của bạn. Thông tin trên là nhận định dịch từ phía Trung Quốc.

Một số chuyên gia cho rằng trong vòng 7-10 ngày tới đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona tại Trung Quốc lên tới đỉnh. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng những trường hợp mắc bệnh có nguy cơ nhiễm và lây lan với xu hướng giảm dần và những người được điều trị khỏi xuất viện ngày càng nhiều.

Với việc các đối tượng phía bên ngoài đã ngăn chặn thì dù các trường hợp mắc bệnh do 2019-nCoV tại Trung Quốc có lên hay xuống cũng không phải vấn đề lớn. Việt Nam hiện nay tập trung xử lý trong nội địa để ngăn chặn, cách ly và kiểm soát triệt để và điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cấp ủy là vô cùng quan trọng. Có như vậy chúng ta mới hy vọng kiểm soát được toàn bộ quá trình này.

Như vậy, Chính phủ và ngành y tế đã triển khai các biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt. Bộ Y tế cũng chỉ đạo đối với các bệnh viện trung ương cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng.

– Các trường hợp mắc bệnh trong những ngày gần đây có dấu hiệu gia tăng không, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Thực tế, các trường hợp nhiễm hiện nay đa phần là những trường hợp xâm nhập (có 8 trường hợp là ở bên ngoài vào Việt Nam).

Thời gian qua chúng ta đã kịp thời khoanh vùng, cách ly cũng như tiến hành các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh. Đối với trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Khánh Hòa, hiện nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào ở bên ngoài.

Với các trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Vĩnh Phúc, chúng ta đang tiến hành các biện pháp kiểm soát, cách ly chặt chẽ và chúng tôi kỳ vọng thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy sẽ kiểm soát tốt tình hình dịch.

Vì vậy, trong thời điểm hiện nay chúng ta không thể nói là gia tăng nhanh bởi mới chỉ xuất hiện vài trường hợp do lây nhiễm từ người sang người ở Việt Nam.

– Các trường hợp ở Vĩnh Phúc có phải phát hiện muộn không thưa ông, bởi họ về nước từ ngày 17/1?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Không thể nói là muộn vì tất cả các trường hợp đó đều được theo dõi giám sát. Hiện nay có 3 trường hợp chúng tôi đang theo dõi liên tục nhưng không xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Các ca bệnh này xuất hiện là điều dễ hiểu, do họ vừa trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc).

Hiện nay, cơ quan y tế tại địa phương đã làm hết sức có trách nhiệm trong việc này và chúng tôi cũng thấy sự ủng hộ đồng lòng khi tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các biện pháp mạnh để phòng chống dịch.

Vòng thứ ba là những người tiếp xúc với những người bệnh (hiện đã có 158 người tiếp xúc với những người bệnh).

Vòng thứ tư là chúng tôi tiếp tục khoanh vùng tất cả những người bên ngoài tiếp xúc với người tiếp xúc – đây là biện pháp rất mạnh.

Việc cách ly này trực tiếp do người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện, còn ngành y tế sẽ hỗ trợ về chuyên môn.

– Trong tình hình như hiện nay, các địa phương như Khánh Hòa, Thanh Hóa theo ông có thể công bố hết dịch chưa?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Đối với Thanh Hóa và Khánh Hòa, theo quan điểm của Ban chỉ đạo Trung ương khi hết dịch, hết các ca nhiễm chúng ta có thể công bố hết dịch bệnh. Như vậy, các địa phương này hiện có thể công bố hết dịch.

– Nhiều người lo ngại sự lây lan của dịch 2019-nCoV sẽ gây ra mức tử vong cao như dịch SARS. Là chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm, ý kiến của ông như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi cho rằng dịch 2019-nCoV lây nhiễm dễ hơn dịch SARS, bởi phương thức lây truyền của nó qua ba phương thức lây truyền chính. Điều quan trọng là bệnh nhân trong thời gian ủ bệnh cũng có thể lây truyền và cũng có thể xuất hiện bệnh nhân có biểu hiện bệnh nhẹ. Trong khi đó, dịch SARS chỉ lây khi có giai đoạn toàn phát, tức là khi đã xuất hiện các triệu chứng viêm long đường hô hấp, ho, hắt hơi và sốt. Khi bệnh nhân mắc SARS vào viện mới có khả năng lây nhiễm bệnh.

Điểm tiếp theo rất quan trọng là tỷ lệ tử vong của dịch 2019-nCoV thấp hơn nhiều so với dịch SARS. Tỷ lệ tử vong của dịch SARS là khoảng 10,6% còn 2019-nCoV có tỷ lệ tử vong từ khoảng 1,8% cho đến thời điểm hiện nay. Chúng tôi rất hy vọng phía Trung Quốc có những phương thức điều trị hiệu quả để giảm bớt tỷ lệ tử vong.

Theo: Viet Nam Plus