Việc sản xuất rong nho ngày càng khó khăn, sản lượng tụt giảm do thời tiết không thuận lợi, ô nhiễm. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp ngăn nước mưa cho ruộng rong nho trong mùa mưa lũ.
Thất thu
Hai năm gần đây, cơ sở sản xuất Ngọc Thưởng (Cam Thành Nam, Cam Ranh) không còn sản xuất mặt hàng rong nho chủ lực bởi nguyên liệu không đủ cung cấp. Ông Trần Văn Ân – chủ cơ sở cho biết, cơ sở có 2 vùng nguyên liệu tại Cam Nghĩa (Cam Ranh) và thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh), tổng diện tích hơn 1,7ha song sản lượng thu hoạch thời gian gần đây quá thấp. Nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm, rong không phát triển mà tàn lụi dần dù làm tốt khâu chọn giống và các khâu kỹ thuật khác. Do đó, cơ sở đành phải dẹp bỏ, trả lại đất thuê.
Phường Ninh Hải (Ninh Hòa) – “thủ phủ” của rong nho Khánh Hòa gần đây cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Nhiều (thôn Đông Hà) cho biết, thấy nhiều người làm rong nho thắng lợi nên ông cũng đưa 8.000m2 đìa vào sản xuất. Năm ngoái, dù bị bão 12 gây thiệt hại nhưng sản lượng vẫn đạt hơn 2 tấn, thế nhưng từ đầu năm đến nay sản xuất không hiệu quả. Sản lượng không có, rong hư hỏng nhiều. Đặc biệt thời gian gần đây, khi thời tiết mưa nhiều, nước biển nhạt, rong không thể phát triển, cứ lụn bại dần. Muốn nuôi đạt thì phải tích cực ngăn nước mưa chảy vào. Nhưng nông dân không đủ nguồn lực để làm điều đó.
Theo ông Mai Văn Lỹ – Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Hải, toàn phường sản xuất hơn 12ha rong nho. Vào mùa nắng, sản xuất thuận lợi hơn, năng suất 1 đợt khoảng 3 tấn/ha. Tuy nhiên, vào mùa mưa, năng suất rất kém, chỉ được vài tạ/ha. Hiện nay, rong nho là đối tượng sản xuất phụ nên tỉnh chưa có giải pháp hỗ trợ thiệt hại và cơ quan chức năng cũng ít quan tâm.
Công ty Đại Dương VN chuyên sản xuất rong nho tại phường Ninh Hải cũng khó làm ra sản phẩm khi tình hình mưa lũ bất thường. Ông Đặng Ngọc Cảnh – phụ trách kỹ thuật khâu nuôi trồng của công ty cho biết, vào tháng 9 – 10 âm lịch trời mưa nhiều, cọng rong thường bị ố vàng, chậm phát triển, sau đó nổi lên và chết. Nếu chịu khó giặt sạch, vệ sinh sớm thì rong có thể phát triển bình thường trở lại nhưng tốn nhiều công sức. Từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, bình quân thu hoạch 2 – 3 tấn/ha/tháng, đến tháng 9 và 10 âm lịch, khi cao điểm mùa mưa năng suất rong chỉ đạt 0,5 – 1 tấn/ha/tháng.
Tìm giải pháp ngăn nước mưa
Kỹ sư Lê Bền – người có nhiều kinh nghiệm trồng rong nho cho hay, hiện nay, tuy thời tiết phức tạp nhưng vẫn có thể trồng được rong nho nếu biết kỹ thuật ngăn nước mưa. Rong nho phát triển thích hợp ở nhiệt độ 25 – 280C, độ mặn 30 – 35‰, nếu ngoài ngưỡng này rong sẽ kém phát triển, sản lượng thấp và thậm chí có thể chết. Hiện tượng rong nho kém phát triển chủ yếu vẫn là do mưa lũ, nước tràn vào gây giảm độ muối, ảnh hưởng đến sự phát triển của rong. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp kỹ thuật xử lý khi nước mưa tràn vào ao nuôi rong. Công ty Trí Tín đang thử nghiệm các giải pháp hạn chế nước mưa đổ vào đìa để khống chế hiện tượng này.
Đối với Khánh Hòa, rong nho chỉ là ngành nuôi trồng thủy sản phụ, được một số doanh nghiệp và nông dân sản xuất, chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Một số đơn vị đã chế biến được những mặt hàng đem lại giá trị kinh tế cao. Song kỹ thuật để duy trì năng suất rong nho vẫn chưa thành công trong khi nhu cầu rong nho trên thế giới rất lớn.
Kỹ sư Nguyễn Thị Toàn Thư – Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết, rong nho trong tỉnh tập trung chủ yếu tại Ninh Hòa và Cam Lâm, tổng diện tích khoảng 45ha, sản lượng hàng năm hơn 180 tấn. Nguyên nhân gây giảm sản lượng và khó trồng là do thời tiết mưa, lạnh, gió mùa đông bắc ảnh hưởng đến phát triển của rong. Riêng vấn đề ô nhiễm nguồn nước, chi cục sẽ kiểm tra và có khuyến cáo cho các vùng trồng rong nho trong tỉnh.
V.LẠC
Theo: Báo Khánh Hòa