Hiện nay, nông dân toàn tỉnh Khánh Hòa đang tập trung thu hoạch lúa vụ hè thu 2017. Tuy diện tích tăng mạnh, nhưng hiệu quả kinh tế từ cây lúa vẫn đang ở mức thấp do năng suất và giá lúa giảm so với năm trước.
Năng suất giảm
Năm 2016, đợt nắng hạn vào đầu năm và mưa lũ vào cuối năm đã khiến cho ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bước sang vụ lúa hè thu 2017, mặc dù thời tiết có phần thuận lợi hơn, diện tích lúa của toàn tỉnh tăng lên gần gấp đôi, nhưng năng suất từ cây lúa vẫn chỉ đạt mức trung bình, thậm chí thấp hơn mọi năm.
Theo lãnh đạo UBND xã Vạn Bình – địa phương có diện tích lúa lớn, đến nay, nông dân đã thu hoạch xong 700ha lúa hè thu, năng suất lúa đạt 56 tạ/ha, giảm khoảng 3 tạ/ha so với năm trước. Ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Toàn huyện có 3.364ha lúa hè thu, đến ngày 13-9 đã thu hoạch được gần 2.900ha. Tuy thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi, đủ nước gieo sạ, nhưng do một số bệnh hại và trời mưa nhiều vào thời điểm lúa làm đòng nên ảnh hưởng đến năng suất, trung bình chưa đạt 60 tạ/ha, thấp hơn so với mọi năm.
Tại thị xã Ninh Hòa – vựa lúa của tỉnh, theo ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã, với diện tích khoảng 8.300ha, đến nay, nông dân đã thu hoạch được hơn 6.000ha, năng suất bình quân chỉ đạt 56 tạ/ha. Vụ hè thu năm trước, mặc dù thời tiết nắng hạn, diện tích giảm chỉ còn một nửa so với năm nay, nhưng ở những nơi canh tác được, năng suất lúa lại đạt cao, xấp xỉ 60 tạ/ha. Sở dĩ năm nay năng suất giảm là do ở giai đoạn cây lúa làm đòng, sâu đục thân tàn phá một số diện tích đáng kể, nhất là ở những diện tích trà giữa và trà cuối.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trịnh Thị Thùy Linh – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 19.000ha, tăng hơn 40% so với năm trước. Cơ cấu giống chủ yếu là loại: ML48, ML202, TH6, IR17494, ĐV108, OM4900, OM7347, PY1, VN 121… Thời tiết đầu mùa rất thuận lợi, nhưng vào giữa tháng 7 và đầu tháng 8, thời tiết mưa nhiều do ảnh hưởng bão số 2 và áp thấp nhiệt đới, gây ngập lụt một số diện tích ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh… Tuy người dân và các cơ quan chức năng đã kịp thời tháo nước, không để lúa bị ngập lâu nhưng nhìn chung vẫn ảnh hưởng đến năng suất. Đặc biệt tình hình rầy nâu và sâu đục thân gây hại tương đối nặng. Chưa kể một số diện tích ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm bị đổ ngã do gió mạnh càng làm cho năng suất chung bị ảnh hưởng.
Giá lúa thấp
Theo ông Trần Văn Hòa (nông dân ở xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa), 7 sào lúa của ông cho sản lượng chưa đầy 4 tấn. Với giá bán 5.300 đồng/kg như hiện nay, ông chỉ thu về được hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, công thu hoạch lúa tăng hơn so với năm trước, chưa kể trong quá trình sinh trưởng, một số diện tích bị sâu đục thân khiến người dân phải đầu tư thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tốn kém hơn, nên sau khi trừ chi phí, thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng. Trong khi cũng với diện tích đó, những năm trước đạt khoảng 10 triệu đồng.
Ông Đỗ Duy Phê – chuyên viên Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa khẳng định, giá lúa hạt tròn tại Ninh Hòa đang phổ biến ở mức 5.400 đồng/kg, các loại lúa hạt dài có nhỉnh hơn vài giá so với hạt tròn. Mức giá này thấp hơn so với năm trước trong khi người dân phải bỏ chi phí nhiều hơn, dẫn tới hiệu quả từ vụ hè thu chưa như mong đợi. Tuy vậy, nông dân Ninh Hòa vẫn bán được lúa với giá cao hơn nông dân ở Vạn Ninh. Qua tìm hiểu, được biết hiện nay, lúa hạt tròn ở Vạn Ninh chỉ bán với giá 5.200 đồng/kg, có thời điểm xuống thấp hơn. Nguyên nhân được cho là do quãng đường vận chuyển xa hơn nên giá lúa sẽ phải giảm xuống. Trong khi đó, vụ hè thu năm 2016, giá lúa ổn định quanh mức 5.700 đồng/kg.
Như vậy, có thể nói, sau 3 tháng vun trồng, chăm sóc, mỗi héc-ta lúa hè thu chỉ mang về thu nhập cho người nông dân khoảng 10 triệu đồng. Hẳn nhiên, số hộ có đủ diện tích 1ha trên toàn tỉnh không nhiều, mà chỉ phổ biến ở mức từ 0,4 đến 0,6ha nên thu nhập lại càng ít hơn.
Thời điểm này, ngoài việc tập trung thu hoạch nốt số diện tích còn lại, toàn tỉnh đang xuống giống vụ mùa; hiện đã gieo được gần 1.400ha trong tổng số diện tích hơn 5.300ha. Theo khuyến cáo từ cơ quan chức năng, để vụ mùa đạt năng suất cao hơn, nông dân chú ý thoát nước với những diện tích lúa mới gieo sạ để tránh ngập úng, đồng thời chú ý bọ trĩ, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, rầy nâu gây hại. Đây cũng là thời gian mà tình hình mưa lũ, ngập úng tiếp tục diễn biến phức tạp nên sẽ tác động tiêu cực đến năng suất, chất lượng lúa.
H.Đ
Theo: Báo Khánh Hòa