Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Lúa hè thu thiếu nước

Tuy đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn hán, nhưng thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến hàng nghìn héc-ta lúa hè thu rơi vào cảnh thiếu nước. Nguy cơ về một vụ lúa năng suất thấp đang hiện hữu.

Cây lúa khát khô

Thời điểm này, những cánh đồng lúa tại nhiều xã ở thị xã Ninh Hòa đang chịu chung cảnh thiếu nước. Lúa sau khoảng 2 tháng gieo trồng, thay vì xanh mơn mởn giai đoạn chuẩn bị ngậm đòng thì hiện nay, nhiều diện tích đã vàng vọt, héo úa. Theo lãnh đạo xã Ninh Thượng, mặc dù vụ hè thu năm nay toàn xã chỉ gieo sạ được 478ha, giảm khoảng 70ha so với năm trước, nhưng đến nay đã có 50ha bị khô cháy, nhiều diện tích khác phát triển kém do không đủ nước. Ở xã Ninh Trung, 300ha lúa hè thu đang khát khô trong giai đoạn lúa làm đòng. Đây là giai đoạn mà cây lúa thiếu nước sẽ bị nghẹn đòng, trổ bông không đều, hạt lép, dẫn tới giảm năng suất.

Nhiều diện tích lúa ở Ninh Hòa đang thiếu nước.

Tình cảnh cây lúa khát khô còn diễn ra nặng nề hơn ở huyện Vạn Ninh. Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ hè thu này, Vạn Ninh gieo sạ được gần 2.829ha, giảm hàng trăm héc-ta so với kế hoạch, nhưng hiện tại đã có đến 800ha lúa giai đoạn làm đòng – trổ ở các xã: Vạn Lương, Vạn Phú và thị trấn Vạn Giã thiếu nước. Ngoài ra, diện tích lúa hè thu không gieo sạ được do thiếu nước tại huyện cũng lên tới 250ha.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, do thời tiết nắng hạn, nhiều đập dâng đã gần cạn nước. Tính đến ngày 17-7, huyện đã triển khai kế hoạch bơm tưới cho 192ha lúa hè thu trên địa bàn xã Vạn Lương và thị trấn Vạn Giã. Ngoài ra, hiện nay, 30 hộ ở thôn Ninh Đảo, xã Vạn Thạnh đã rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, phải mua nước sử dụng hàng ngày.

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, tổng diện tích lúa hè thu toàn tỉnh gần 17.270ha, vượt hơn 1.467ha so với kế hoạch. Tính đến nay, thống kê sơ bộ cho thấy đã có tới 1.186ha đang thiếu nước, chủ yếu ở địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, vì đây là khu vực mưa ít, nguồn nước tích trữ được từ năm trước không dồi dào như ở khu vực phía nam tỉnh.

Chủ yếu là diện tích ngoài kế hoạch

Tình hình nắng hạn là điều đã được cơ quan chuyên môn dự báo từ đầu năm. Vì thế, ngay từ đầu vụ, các giải pháp nhằm tiết kiệm nước, hạn chế tối đa ảnh hưởng của nắng hạn đã được đưa ra. Việc áp dụng giống lúa ngắn ngày, phổ biến dưới 100 ngày đã được hầu hết nông dân tuân thủ. Việc mở nước phục vụ cày ải, chuẩn bị gieo sạ được thực hiện phổ biến chỉ trong 2 đợt, mỗi đợt chỉ kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Tổng thời gian gieo sạ cũng gói gọn trong 1 tháng. Phổ biến nông dân gieo sạ đại trà trong tháng 5-2019. Nhiều khu vực như ở Vạn Ninh còn gieo sạ sớm hơn, bắt đầu từ tháng 4 nhằm tranh thủ đợt mưa tiểu mãn. Tuy nhiên, năm nay, mưa tiểu mãn không đáng kể. Nguồn nước từ các hồ chứa luôn ở trong tình trạng phải chắt chiu, tiết kiệm.

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hàng nghìn héc-ta lúa hè thu đang bị thiếu nước hiện nay chủ yếu rơi vào diện tích không nằm trong kế hoạch sản xuất mùa vụ này. Đơn cử như tại xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa), do phần lớn diện tích sản xuất lúa của xã chưa được thụ hưởng nguồn nước từ thủy điện EaKrongRou, nên đa phần trong số khoảng 550ha lúa của xã chỉ có thể sản xuất lúa 1 vụ (đông xuân). Đối với các vụ khác, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân chuyển sang cây trồng cạn ngắn ngày. Tuy nhiên, vụ hè thu này người dân đã gieo sạ 478ha, hiện nay, 50ha trong số này đã bị khô cháy, hàng trăm héc-ta khác đang thiếu nước chăm sóc. Tính chung toàn địa bàn thị xã Ninh Hòa, kế hoạch vụ hè thu này chỉ gieo sạ 6.160ha, nhưng trên thực tế đang có 8.500ha. Trong điều kiện lượng mưa thiếu hụt, phần lớn ruộng lúa bị khô hạn rơi vào diện tích nằm ngoài kế hoạch.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, nhiều đập dâng, hồ chứa nước ở Vạn Ninh, Ninh Hòa có dung tích nhỏ. Các hồ như: Suối Lớn, Bà Bác, Cây Bứa, Suối Luồng (Vạn Ninh) và Sở Quan, Bến Ghe, Suối Sim (Ninh Hòa) có dung tích phổ biến chưa đầy 1 triệu m3/hồ. Một mặt dễ khô hạn khi nắng nóng kéo dài, mặt khác, trong điều kiện nắng hạn, lượng nước cũng chỉ đủ đáp ứng diện tích nhất định, khó vươn tỏa đến những ô ruộng nằm xa hệ thống kênh mương hoặc chân ruộng cao. Vì thế, không nằm ngoài dự báo, những khu vực này đang bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu nước.

Trong trường hợp nắng nóng tiếp tục kéo dài, thứ tự ưu tiên nước vẫn là sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp, chăn nuôi gia súc, cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao rồi mới đến cây lúa. Vì vậy, dù kế hoạch bơm tưới đã được áp dụng, nhưng hoạt động này cũng chỉ đáp ứng được phần nào. Trong tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, hàng nghìn héc-ta lúa hè thu đang phải đối diện với nguy cơ mất trắng.

Hồng Đăng

Theo: Báo Khánh Hòa