Dự án hợp tác quốc tế giữa Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (trụ sở tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) đã nghiên cứu và làm chủ thành công công nghệ sản xuất giống hải sâm cát.
Dự án cũng nghiên cứu các hình thức nuôi ghép giữa hải sâm và tôm, hải sâm với ốc hương… nhằm làm đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo sinh kế bền vững cũng như tạo công ăn việc làm, nhất là việc làm cho phụ nữ vùng hải đảo và ven biển.
Từ cơ sở thực nghiệm đến người dân
Khu vực thực nghiệm ương, nuôi giống hải sâm cát và các giống nuôi biển rộng 10ha tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Tại khu vực ương giống, tiến sỹ Nguyễn Đình Quang Duy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho biết, ở khu thực nghiệm quy trình nuôi hoàn toàn khép kín, hải sâm bố mẹ được nuôi để đẻ trứng, từ trứng sẽ phát triển thành ấu trùng.
Sau khoảng 10 ngày ương giống, hải sâm đạt chiều dài khoảng 2-3cm, nặng khoảng 2-3g là có thể thả nuôi. Sau 8-10 tháng nuôi, hải sâm đạt kích cỡ thương phẩm từ 250-300g.
“Việc nuôi hải sâm cát yêu cầu kỹ thuật không cao, bởi hải sâm dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên là chủ yếu. Ngoài ra, nuôi hải sâm trong ao có tác động tích cực đến môi trường.
Nguyên nhân là do hải sâm ăn tạp chất hữu cơ trong ao làm giảm xu hướng “quá tải hữu cơ” trong các nền đáy ao.
Nuôi đơn canh hải sâm hoặc nuôi luân canh với các sinh vật khác có thể kéo dài tuổi thọ của ao nuôi, giảm lượng chất thải hữu cơ và hạn chế việc xây dựng ao mới.
Vì vậy, loài hải sản này thường được nuôi kết hợp với những đối tượng khác như ốc hương, tôm, cá… bởi chúng có tính chất hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển,” tiến sỹ Nguyễn Đình Quang Duy cho hay.
Đối với mô hình nuôi kết hợp ốc hương-hải sâm, trong 6 tháng nuôi, hải sâm đạt trọng lượng phổ biến là 300g/con và ốc hương 150 con/kg.
Cả hai đối tượng đều phù hợp với điều kiện sinh thái vùng duyên hải miền Trung, nhất là khu vực Nam Trung Bộ.
[Thủy sản Việt Nam phát triển bền vững để có chỗ đứng tại châu Âu]
Hiện nay, mô hình đã được triển khai thử nghiệm trên diện tích khoảng 2ha tại các hộ dân ở Khánh Hòa và đang phát triển rất tốt.
Tương lai, khi dự án hợp tác quốc tế kết thúc sẽ mở ra cơ sở bền vững cho hoạt động ương nuôi, cung cấp giống hải sâm đến với cư dân làm nghề nuôi biển.
Anh Nguyễn Hồ Văn Huy, một người nuôi hải sâm kết hợp ốc hương tỉnh Khánh Hòa, cho biết tác dụng của việc nuôi hải sâm kết hợp với ốc hương ở ao nuôi là rất lớn.
Hải sâm giúp làm sạch nước trong ao nuôi, giúp ốc sinh trưởng và phát triển trong môi trường trong sạch, nên tỷ lệ nhiễm khuẩn và bệnh cho ốc rất thấp.
Hải sâm là loài động vật có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập lớn cho cộng đồng dân cư sống bằng nghề đánh bắt biển ở khu vực châu Á/Thái Bình Dương.
Trong số các loài hải sâm nhiệt đới, hải sâm cát có giá bán cao nhất trên thị trường, dao động từ 200-400 USD/kg.
Cần chiến lược nuôi theo hướng thương mại
Cũng theo tiến sỹ Nguyễn Đình Quang Duy, mặc dù các kết quả nghiên cứu và thực tế sản xuất tại Việt Nam có những kết quả tốt, nhưng nghề nuôi vẫn chưa phát triển mạnh. Nuôi hải sâm trên cát vẫn còn hạn chế.
Ở các vùng ven biển, hải sâm vẫn chưa là đối tượng nuôi trồng chủ lực của ngành Thủy sản, nên quy mô vẫn còn nhỏ, công nghệ, kỹ thuật tương đối cũ.
Tại Khánh Hòa, từ năm 2015 trở về trước, hải sâm cát đã được biết đến nhiều ở các vùng phía Nam của tỉnh như Cam Ranh, Cam Lâm – nơi có nguồn hải sâm tự nhiên tương đối dồi dào, người dân đánh bắt hải sâm trong tự nhiên về bán lại cho người nuôi và các thương lái.
Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức đã dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng đối với trữ lượng hải sâm ngoài tự nhiên. Do đó, người dân ở đây bắt đầu mày mò nghiên cứu và nuôi hải sâm trên cát. Hiệu quả thì có, song đầu ra bấp bênh đã khiến người dân từ bỏ hẳn hoạt động nuôi.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Quang Duy, đầu ra vẫn là vấn đề quan trọng nhất, nếu dự án hợp tác quốc tế tiến hành sản xuất thử nghiệm nuôi hải sâm ở quy mô lớn đòi hỏi nhiều nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện trong các khâu nhiều hơn nữa.
Cụ thể, nuôi vỗ hải sâm bố mẹ chất lượng cao; nghiên cứu thức ăn, mật độ, nâng cao tỉ lệ sống từ ấu trùng cho đến giai đoạn bám đáy và giai đoạn ương lên con giống tiêu chuẩn phục vụ nuôi thương phẩm; nghiên cứu thức ăn bổ sung phù hợp và mật độ thích hợp cho hải sâm nuôi nhằm giảm thời gian nuôi, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một diện tích nuôi trồng.
Đặc biệt là chú trọng lĩnh vực đầu ra bằng cách chế biến, xuất khẩu sẽ tạo hiệu quả lâu dài và bền vững hơn.
Có như vậy, sản phẩm từ nghề nuôi biển hải sâm kết hợp với các sinh vật khác sẽ góp phần vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản, cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và y học cao, góp phần cải thiện sức khỏe người tiêu dùng và tăng nguồn thu nhập cho người nuôi./.
Phan Sáu (TTXVN/Vietnam+)
Theo: Viet Nam Plus