Những ngày này, khi những bông đót nở trên sườn núi, ven sông suối ở các xã cánh tây huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), người dân địa phương lại rủ nhau đi hái lộc rừng. Giá đót năm nay tuy cao nhưng sản lượng ít, vì vậy thu nhập của người hái đót không nhiều.

Đầu năm, chúng tôi theo tốp người Raglai ở xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh) hướng về khu vực đèo Khánh Lê – Lâm Đồng để đi hái lộc rừng đầu năm. Theo ông Hà Tiên – người dân địa phương, ở Khánh Vĩnh cây đót mọc trên những triền núi, ven suối. Tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng có rất nhiều đót. Từ giữa tháng Chạp đến cuối tháng Giêng, người dân lại rủ nhau vào rừng hái đót. Năm nay, hoa đót nở muộn hơn mọi năm nên sau Tết Nguyên đán mới có nhiều người đi tìm đót.

Năm nay, lượng đót người dân thu được không nhiều.

Năm nay, lượng đót người dân thu được không nhiều.

Lên đến lưng chừng đèo, tại khu vực Km49, trước mắt chúng tôi là những bụi đót xanh tươi, bông đót đã nở. Ông Hà Tiên cho biết, gia đình ông sống gần rừng, nhờ lộc rừng. Tùy theo mùa khi thì ông hái đót, lúc tìm trái sa nhân, nấm linh chi, mật ong… để tăng thêm thu nhập. Bước chân ông đã qua khắp núi rừng các xã cánh tây Khánh Vĩnh như: Sơn Thái, Giang Ly, Khánh Thượng. Những lúc băng rừng tìm lộc rừng, ông lại để ý triền núi nào có nhiều đót, con suối nào cây đót mọc nhiều để đến mùa lại đi lấy.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Vừa len lỏi ra khỏi vạt đót lớn, với những bó đót trên tay, ông Cao Nhiến – bạn đồng hành của ông Hà Tiên chia sẻ: “Năm nay giá đót được thương lái thu mua cao hơn mọi năm nên nhiều người đi rừng tìm đót, hiện giá bán tại cửa rừng là 6.000 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với mùa đót trước. Cây đót thường trổ bông đến khi tàn chỉ hơn 1 tháng, tranh thủ thời gian này chúng tôi đi bẻ đót. Khi gặp vùng đót phát triển tốt, mọc tập trung, mỗi người một ngày có thể hái được 25 – 30kg, bán được 150.000 đến 180.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với nhiều hộ”.

Trên tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng, chúng tôi còn gặp 4 – 5 tốp người đi tìm lộc rừng. Trong đó có tốp 4 người từ xã Giang Ly lên rừng bẻ đót. “Sau khi bẻ xong đót sẽ được gùi ra ven đường để phân loại, bó thành từng bó chờ thương lái đến mua. Năm nay, đót mất mùa, bông đót không nở đều, sản lượng ít, nên dù cố gắng tìm kiếm khắp nơi, giá bán cao nhưng thu nhập từ cây đót cũng không nhiều như những năm trước. Nguyên nhân là do diện tích đót đã bị thu hẹp nhiều, chỉ còn 1/7 – 1/8 so với trước đây. Ngoài ra, trong năm qua có hạn hán khiến nhiều vạt đót bị chết, nhiều cây cho hoa èo uột”, ông Cao Biên chia sẻ.

    
Ông Trần Văn Ngọc – người thu mua đót đến từ xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh) cho biết: “Đót tươi sau khi thu mua sẽ được phơi khô để bán lại cho các cơ sở làm chổi hoặc các nhà thầu xây dựng. Từ đầu vụ đến nay tôi thu mua chưa được 1 tấn đót tươi, giảm 50% so với mùa đót trước. Hơn chục điểm thu mua đót ở khu vực các xã cánh tây huyện Khánh Vĩnh đều rơi vào cảnh tương tự”.

Theo lãnh đạo một số địa phương cánh tây huyện Khánh Vĩnh, đời sống người dân địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, núi rừng. Mùa nào thức ấy, khi rừng cho lộc gì thì người dân vào rừng thu hái lộc ấy. Đầu năm thường là mùa thu hoạch đót. Cây đót không chỉ góp phần cải thiện thu nhập cho người dân lúc nông nhàn, mà còn giúp nhiều gia đình giải quyết khó khăn trước mắt. Thời gian qua, các địa phương cũng tăng cường phối hợp với ngành chức năng, đơn vị chủ rừng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng để rừng cho lộc.

HẢI LĂNG
 

Theo: Báo Khánh Hòa