Sáng 8/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão số 6 (tên quốc tế là Nakri).
Cuộc họp được điều hành bởi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, kết nối trực tuyến với 7 tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.
Bão có thể đổ bộ vào tối 10/11
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết các cơ quan khí tượng trong và ngoài nước cùng dự báo bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Bình Định – Ninh Thuận với sức gió đạt cấp 9-10, giật cấp 12. Tuy nhiên, các trung tâm dự báo có sự chênh lệch về thời gian đổ bộ của bão.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản và Hong Kong dự báo bão sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ trong chiều tối 10/11 với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Hoàn lưu gây mưa của bão rất rộng, có thể trải dài xuống khu vực Nam Bộ.
Trong khi đó, trung tâm dự báo của Trung Quốc và Mỹ dự báo bão sẽ đổ bộ vào sáng 11/11 với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12 trên đất liền. Các dự báo có sự chênh lệch về thời gian đổ bộ từ 6 đến 12 tiếng nhưng có cùng nhận định là bão sẽ giảm cường độ gió khi đi vào đất liền.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định tâm bão sẽ nằm ngay trên vùng biển Quảng Ngãi – Khánh Hòa trong tối 10/11. Đồ họa: Nhân Lê. |
“Có thể hiểu bão số 6 sẽ đổ bộ vào thời điểm cuối cùng trong vòng đời của một cơn bão nên nhất định sẽ có sự suy yếu. Các tương tác và nhận định sẽ phụ thuộc vào tốc độ di chuyển của bão trong 24 giờ tới”, Giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết.
Cơ quan khí tượng nhận định ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa cho các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ trong các ngày 9-12/11. Mưa tập trung vào các ngày 10-11/11, trong thời gian bão đổ bộ. Khu vực trọng điểm mưa lớn gây nguy cơ lũ quét, sạt lở thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Lo ngại mưa lũ sau bão
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết bão số 6 có cường độ mạnh và hướng đi khó lường, do đó cần sự phối hợp của tất cả các bộ ngành trong công tác phòng tránh bão.
“Thời điểm bão đổ bộ chưa chắc đáng lo ngại bằng mưa lũ sau bão. Các đơn vị chỉ ứng phó cho đến khi bão suy yếu là chưa đủ, cần nâng cao đề phòng với tình hình thời tiết các địa phương sau khi bão đi qua”, Phó thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết các địa phương cần đề phòng mưa lũ sau bão, nhất là các vùng xung yếu do ảnh hưởng của bão số 5. Ảnh: Mỹ Hà. |
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ tư lệnh quân khu 5, quân khu 7, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng ứng phó với bão. Báo cáo nhanh cho thấy hiện có 250.000 cán bộ ứng trực, bộ đội biên phòng cùng 150 phương tiện sẵn sàng ứng phó trong các tình huống khẩn cấp.
Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng các địa phương cũng thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 47.000 tàu biết hướng di chuyển của bão để chủ động tránh trú.
3 tàu Bình Định mất liên lạc đã có tín hiệu thông tin và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm. 112 tàu và gần 3.000 lao động vẫn đang hoạt động, neo đậu tại các khu vực nguy hiểm như các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.
Bên lề cuộc họp, trả lời câu hỏi của Zing.vn về những lo ngại khi bão số 6 xảy ra ngay sau khi bão số 5 vừa đổ bộ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 6 mang nhiều mối nguy vì có khả năng đổ bộ trực tiếp vào chính vị trí tiếp cận của bão số 5 vừa qua.
“Hiện tượng bão chồng bão, lũ chồng lũ là một thực tiễn đáng lo ngại trong nhiều năm trở lại đây. Điều quan trọng là chúng ta phải thiết chế hạ tầng xuống cấp ở ngay vị trí tổn thương của bão số 5 để sẵn sàng ứng phó với bão số 6”, Bộ trưởng cho biết.
Ông cũng so sánh bão Nakri tương tự cơn bão số 12 Damrey vào năm 2017 và lo ngại có thể gây ra thiệt hại nặng nề tương tự nếu không có phương án ứng phó hiệu quả.
Theo: Zing News