Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Lò gạch thủ công ở Ninh Hòa: Nhiều khó khăn trong chuyển đổi

Toàn thị xã Ninh Hòa còn 36 cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò vòng cải tiến (công nghệ Hofman) đang hoạt động. Tuy đã quá thời hạn 2 năm so với lộ trình đề ra nhưng việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch này vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Hoạt động bấp bênh


Chúng tôi trở lại xã Ninh Xuân vào những ngày cuối tháng 4. Mặc dù đang trong thời gian nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nhưng các cơ sở sản xuất gạch nung nơi đây vẫn hoạt động bình thường. Tại cơ sở sản xuất của bà Huỳnh Thị Lệ Hằng (thôn Phước Lâm), những chuyến xe chở đất sét vẫn vào ra, bên trong hơn chục nhân công đang hì hục làm việc. Người cuốc đất, dập khuôn, xếp gạch tươi chuyển đem phơi; người đứng canh lò, nhóm củi chờ những mẻ gạch mới. Theo bà Hằng, nghề làm gạch nung bây giờ bấp bênh, tất cả tiền của gia đình, vay mượn ngân hàng đều đầu tư vào đây, làm chỉ đủ sống qua ngày. “Bao nhiêu vốn liếng gia đình đều bỏ hết vào lò gạch. Tuy biết tỉnh đã có chủ trương chấm dứt hoạt động nhưng thấy người khác vẫn làm nên gia đình tôi tranh thủ được lúc nào hay lúc đó, chứ bây giờ mà nghỉ thì không biết làm gì khi nợ vay vẫn còn chồng chất”, bà Hằng cho biết.



Công nhân đứng dây chuyền gạch ra khuôn.



Tại cơ sở hộ kinh doanh Huỳnh Văn Thừa, bà Nguyễn Thị Hoài (chủ cơ sở) cho biết, vừa rồi, chính quyền xã có đưa thông báo về việc chấm dứt lò gạch thủ công để chuyển sang sản xuất lò gạch tuynel hoặc sản xuất vật liệu không nung. Thế nhưng, người dân ở đây không làm được do chi phí đầu tư rất cao, nguyên liệu sản xuất lại không có. “Năm 2013, gia đình tôi đầu tư mấy tỷ đồng làm lò vòng cải tiến, sản phẩm làm ra cũng chỉ là lấy công làm lời. 2 năm qua, tình hình dịch bệnh phức tạp, không sản xuất được nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Bây giờ mà bỏ thêm vài tỷ đồng đầu tư lò tuynel, sản xuất gạch không nung không biết là sản phẩm làm ra có tiêu thụ được hay không, đó là chưa nói đến việc không có vốn để đầu tư. Hiện nay, gia đình tôi chỉ biết làm được ngày nào hay ngày đấy, vớt vát lại ít vốn rồi nghỉ chứ nghề này bây giờ nặng đầu lắm”, bà Hoài nói.

Còn nhiều vướng mắc


Ông Nguyễn Phú Tài – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 22 và Đề án 2109 của UBND tỉnh (năm 2016) về việc chấm dứt lò gạch thủ công, chuyển đổi sang lò sản xuất gạch theo công nghệ tuynel và vật liệu xây dựng không nung, xã đã tuyên truyền, vận động người dân, nhưng đến nay, quá trình này đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Qua nắm bắt, một phần là do nhu cầu nguồn cung gạch nung lớn không chỉ ở Ninh Hòa mà các địa phương trên địa bàn tỉnh; trong khi đó, các cơ sở gạch tuynel không đáp ứng được nhu cầu. Mặc khác, các cơ sở sản xuất gạch thủ công cũng không đồng thuận chuyển đổi vì mức hỗ trợ quá thấp.


Theo ông Nguyễn Minh Thư – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, mới đây, UBND thị xã tổ chức cuộc họp với các xã, phường trên địa bàn về việc chấm dứt hoạt động sản xuất của các lò gạch thủ công. Tại thời điểm thống kê theo Đề án 2109 của UBND tỉnh, trên địa bàn thị xã chỉ có 11 lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo báo cáo của UBND các xã, phường, đến thời điểm này không còn cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chỉ còn 36 cơ sở (với 42 vỏ lò) đang hoạt động sản xuất gạch nung bằng lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu đốt là bột cưa, mùn trấu, phế phụ phẩm nông nghiệp. Theo lộ trình, đến cuối năm 2020, các cơ sở lò gạch thủ công phải chấm dứt hoạt động (trong đó có 10 cơ sở nằm trong Đề án 2109 và 26 cơ sở mới nằm ngoài đề án). Tuy vậy, đến nay, chỉ có 1 cơ sở chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch bằng lò tuynel, 2 cơ sở đã chấm dứt hoạt động.


Trong báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, qua khảo sát, tổng số lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn gần 1.250 người (trung bình 34 người/cơ sở), độ tuổi trung bình 40-45 tuổi, không có nhu cầu đào tạo hỗ trợ nghề khi chấm dứt sản xuất gạch nung. Trong khi đó, kinh phí đầu tư lò vòng cải tiến của các cơ sở quá lớn (2 – 3 tỷ đồng/cơ sở), nhưng mức hỗ trợ tháo dỡ lò theo đề án chỉ 20 triệu đồng/vỏ lò là quá thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, có khoảng 30% cơ sở có nhu cầu chuyển đổi công nghệ sản xuất cao hơn (tuynel, vật liệu xây dựng không nung) nhưng đang gặp khó khăn trong việc xin cấp phép khai thác nguyên liệu; chưa có văn bản hướng dẫn của các sở, ngành, trong khi quy định vẫn còn chồng chéo. “Muốn làm gạch tuynel phải có mỏ nguyên liệu, nhưng để được cấp phép khai thác mỏ nguyên liệu thì phải có cơ sở sản xuất tuynel. Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn giữa các cơ quan chức năng trong việc cấp phép khai thác mỏ nguyên liệu. Mặc dù quy hoạch vùng nguyên liệu trên địa bàn thị xã đã có, song việc các hộ kinh doanh xin giấy phép không dễ. Việc chuyển sang sản xuất gạch công nghệ tuynel thì nhân công phải chuyển đổi theo, nhưng chuyển đổi như thế nào thì không có hướng dẫn, mà vấn đề này quá tầm của thị xã” – ông Nguyễn Minh Thư nói.

Cần sớm có hướng dẫn cụ thể



Ông Nguyễn Phú Tài – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân: Ninh Hòa có 5 xã có cơ sở sản xuất gạch nung thủ công, riêng xã Ninh Xuân chiếm 90% số cơ sở sản xuất. Qua kiểm tra, hầu hết người dân địa phương đều đồng thuận với chủ trương của tỉnh. Tuy vậy, địa phương mong muốn tỉnh sớm có hướng dẫn, chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân tích cực tham gia thực hiện chủ trương chuyển đổi.

Trong thời gian tới, thị xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất gạch thủ công thực hiện việc chấm dứt lò gạch thủ công, chuyển đổi sang lò sản xuất gạch theo công nghệ tuynel và vật liệu xây dựng không nung. Qua đó, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, vận chuyển nguyên liệu sản xuất trái phép; tiếp tục tăng cường công tác quản lý, không để các cơ sở sản xuất gạch thực hiện đầu tư mới, cơi nới, mở rộng; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguyên liệu đốt (không cho phép sử dụng than đá) trong quá trình sản xuất để hạn chế tác động xấu đến môi trường.


Theo lãnh đạo UBND thị xã, địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn thị xã lập kế hoạch thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò vòng cải tiến theo công nghệ Hofman; chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư Cụm Công nghiệp Ninh Xuân để đưa các cơ sở này vào trong cụm công nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế, chính sách trong việc chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch theo hướng hiện đại hơn (tuynel, vật liệu xây dựng không nung); chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hướng dẫn việc cấp phép khai thác khoáng sản, cấp phép chuyển đổi sang sản xuất gạch bằng công nghệ tuynel cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện.


PHÚC HIẾU

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202205/lo-gach-thu-cong-o-ninh-hoa-nhieu-kho-khan-trong-chuyen-doi-8250925/