Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Lĩnh vực sản xuất đồ uống: Tăng trưởng mạnh mẽ

Những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp lĩnh vực sản xuất đồ uống có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và luôn nằm trong tốp đầu các lĩnh vực trong ngành công nghiệp của tỉnh.

Phát triển nhanh

Toàn tỉnh hiện có 35 doanh nghiệp (DN), cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh mặt hàng đồ uống với sản phẩm đều là những thương hiệu, tạo được sức ảnh hưởng trên thị trường trong và ngoài nước. Trong số đó phải kể đến các loại nước uống, nước giải khát mang thương hiệu Yến sào Khánh Hòa, Bia Sài Gòn, nước khoáng Đảnh Thạnh, Bia Sanmiguel, nước uống tăng lực Lipovitan…

Sản phẩm nước yến luôn đạt giá trị sản suất công nghiệp rất cao.

Từ năm 2010 đến nay, lĩnh vực sản xuất đồ uống luôn có sản lượng rất cao. Cụ thể như nước khoáng, năm 2010 đạt 44,8 triệu lít, đến năm 2017 đạt 62 triệu lít. Đặc biệt, sản phẩm bia có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, nếu năm 2015, sản lượng bia mới đạt 18 triệu lít thì đến năm 2017 đã lên đến 62 triệu lít. Nước yến cũng có tốc độ tăng trưởng cực nhanh trong thời gian gần đây. Giá trị sản xuất công nghiệp của mặt hàng này liên tục vượt ngưỡng. Chỉ tính trong các tháng 8, 9 và 10-2018, mỗi tháng, nước yến đều có giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 43 đến 46% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Văn Ngoạn – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, những năm gần đây, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng, được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng lớn. Nguyên nhân là do Khánh Hòa nằm ở khu vực trung tâm miền Trung, dễ dàng kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, thuận lợi để có thể phân phối các sản phẩm đồ uống. Ngoài ra, ở Khánh Hòa còn có nguồn nguyên liệu chất lượng, dồi dào như: yến sào, nước khoáng… cung ứng cho hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống. Đây chính là những lợi thế để các DN đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng và là điều kiện thuận lợi góp phần giúp Khánh Hòa trở thành địa phương sản xuất thực phẩm – đồ uống tiềm năng trong khu vực.

Tiếp tục đầu tư

Để tiếp tục cạnh tranh với nhãn hàng khác, việc đầu tư sản xuất, thay đổi công nghệ luôn được DN sản xuất đồ uống ưu tiên hàng đầu. Theo ông Nguyễn Anh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn tiếp theo, công ty tiếp tục chú trọng nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, ứng dụng thành tựu công nghệ hiện đại vào chế biến sản xuất. Song song đó, nâng cao năng lực sản xuất, máy móc thiết bị tại nhà máy sản xuất các sản phẩm từ yến sào; thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ mới nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho yến sào Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Nhật Hoàng – Giám đốc Kinh doanh toàn quốc Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa – Fit Beverage cho biết: “Công ty đã tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất có công suất gấp 3 lần so với trước. Công nghệ tiên tiến sẽ tạo nên sản phẩm có mẫu mã, chất lượng tốt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng. DN chú trọng thực hiện quy trình GMP- HACCP và quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở rộng kênh phân phối, đầu tư hình ảnh và tiếp thị đến tận người tiêu dùng”.

Theo quy hoạch công nghiệp chung của tỉnh đến năm 2025, đối với lĩnh vực sản xuất đồ uống sẽ tiếp tục duy trì các nhà máy hoạt động có hiệu quả, tăng cường đầu tư có chiều sâu và nâng công suất, chất lượng sản phẩm nhà máy

Chế biến nước yến của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa. Mặt khác, đầu tư chuyển đổi công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất các nhà máy bia, nhà máy nước giải khát, nước khoáng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 đã và đang đầu tư chiều sâu, nâng công suất và chất lượng nhà máy chế biến nước yến. Dự án Nhà máy bia Sài Gòn tại Cụm công nghiệp Diên Phú với công suất 50 triệu lít/năm, tổng vốn đầu tư 630 tỷ đồng đã đi vào hoạt động; dự kiến sau năm 2021 sẽ nâng công suất lên 100 triệu lít/năm. Các nhà máy bia Sanmiguel, nhà máy sản xuất nước uống tăng lực Lipovitan, nhà máy sản xuất nước khoáng Đảnh Thạnh cũng được đầu tư để nâng cao công suất. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu, kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến nước hoa quả có công suất từ 5.000 tấn quả/năm nhằm tận dụng các loại hoa quả của địa phương.

ĐÌNH LÂM
 

Theo: Báo Khánh Hòa