Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức Diễn đàn Trí thức lần 1/2018 với chủ đề: “Liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý) để nâng cao hiệu quả trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của người dân”. Tại diễn đàn, nhiều vấn đề được đặt ra nhằm đưa mô hình này đạt kết quả tương xứng với tiềm năng hiện có.

Những mối liên kết

Ông Huỳnh Quang Thành – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mối liên kết “bốn nhà”. Năm 2017, riêng huyện Diên Khánh đã có 13 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp liên kết với 4 doanh nghiệp (DN) để sản xuất và bao tiêu lúa giống với diện tích 1.540ha/năm. Với mối liên kết này, DN đã cung cấp nguyên liệu đầu vào, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Nhờ đó, giảm chi phí sản xuất (lượng giống gieo sạ từ 180kg/ha xuống 120kg/ha, vật tư giảm từ 20 đến 30%); sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, không bị tư thương ép giá. Bên cạnh đó, giúp nông dân tiếp cận được với tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa giống, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất hiện hữu và cung cấp nguồn giống chất lượng cho thị trường. Trong sản xuất và tiêu thụ rau, mô hình rau VietGAP tại HTX Đắc Lộc là một ví dụ điển hình. Trước đây, HTX là bên chịu nhiều rủi ro nhất trong chuỗi sản xuất. HTX gặp nhiều áp lực về chi phí giống, vật tư nông nghiệp, công lao động… tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nhưng lại không quyết định được giá bán. Trong khi đó, thương lái, đầu nậu, tiểu thương bán lẻ lại được hưởng khoản giá trị chênh lệch khá cao so với tỷ suất sinh lợi trên doanh thu (khâu trung gian hưởng chênh lệch khoảng hơn 50%). Tuy nhiên, sau khi liên kết với Siêu thị BigC, HTX Đắc Lộc đã có tỷ suất sinh lời trên doanh thu tăng lên 56% (chênh lệch khoảng 10.000 đồng/kg rau) vì loại bỏ được tác nhân trung gian.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Mới đây, Dự án cánh đồng lớn sản xuất mía tại Ninh Hòa được hình thành do Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa – Ninh Hòa làm chủ đầu tư liên kết với các hộ dân xã Ninh Tây, Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa) cũng là một mô hình liên kết với quy mô lớn. Dự án đáp ứng yêu cầu canh tác cơ giới, tưới tiêu thuận tiện, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Mô hình này xây dựng mối liên kết giữa nhà nước – DN – nông dân – nhà khoa học từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Sau khi thí điểm thành công sẽ xây dựng các tiêu chí chung để nhân rộng cho toàn vùng nguyên liệu mía cũng như cây trồng khác.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều mối liên kết khác đã và đang đem lại hiệu quả nhất định như: khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ, chăn nuôi…

Mối liên kết giữa “4 nhà” đang được áp dụng rộng rãi trong trồng mía.

Mối liên kết giữa “4 nhà” đang được áp dụng rộng rãi trong trồng mía.

Còn những nút thắt

Tuy nhiên, mối liên kết “4 nhà” hiện vẫn còn những hạn chế. Có trường hợp DN ép giá nông dân mỗi khi nông sản được mùa, còn nông dân thì bội ước với DN khi giá lên. Hậu quả dẫn tới điệp khúc trồng, chặt tái diễn, phá vỡ quy hoạch, rối loạn thị trường. Phần lớn hợp đồng giữa DN và người sản xuất thiếu tính bền vững; nông dân không yên tâm đầu tư dài hạn, nhất là nông, lâm sản đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn.

Ông Phạm Văn Chương – Chủ tịch Hội Mía đường Khánh Hòa cho biết: “Kể từ khi các DN được cổ phần hóa, mối liên kết “4 nhà” cũng trở nên rời rạc, giá mía nguyên liệu được điều tiết theo cơ chế thị trường, sự phân chia lợi ích trong chuỗi liên kết thiếu minh bạch, hình thành mối quan hệ kèo trên áp đặt kèo dưới, giữa nhà máy đường với người nông dân. Người trồng mía thật sự hoang mang bởi không có nhiều sự lựa chọn”.

Ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thời gian qua, tuy có nhiều cố gắng nhưng mối liên kết “bốn nhà” chưa thật sự nhuần nhuyễn. Trong mối liên kết này, chỉ có nhà nông và DN là những thành tố phát sinh lợi nhuận, do đó liên kết cần phải làm cho lợi ích kinh tế của 2 bên hài hòa. UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình liên kết của “bốn nhà”.

Không chỉ mía đường, các lĩnh vực khác cũng gặp những vấn đề tương tự. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò chỉ đạo điều hành, tích cực đẩy mạnh các thành viên khác cùng thực hiện tốt. Nhà nước cần tạo một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nhà nông. Đối với những trường hợp thiệt hại do các nguyên nhân bất khả kháng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ thiệt hại cho các bên tham gia liên kết. Các lãnh đạo địa phương cũng cần phải hiểu rõ, đầy đủ về chính sách liên kết “4 nhà” để có sự hỗ trợ một cách hợp lý; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ nội dung, mục đích của chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Bên cạnh đó, nêu cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ đứng trung gian để ký hợp đồng, làm tốt chức năng cầu nối giữa nông dân với DN trong thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Ngọc Lễ – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Khánh Hòa cho biết: “Để nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế bất lợi cho người dân, các HTX phải là tổ chức kinh tế tập thể của nông dân, là bà đỡ thực sự được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi. HTX phải là trung gian giữa nông dân và DN. Trong đó, cần có mối quan hệ rộng trong sản xuất, kinh doanh, có đủ uy tín để có được sự tin cậy của các đối tác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số HTX đang áp dụng mô hình liên kết thành công như: HTX Nông nghiệp Suối Hiệp (Diên Khánh), HTX Nông nghiệp Ninh Quang 1 (Ninh Hòa), các HTX khai thác thủy sản Đầm Môn, Khải Lương (Vạn Ninh), Thống Nhất, Đoàn Kết (Nha Trang)…”.

Đình Lâm

Theo: Báo Khánh Hòa