Kể từ tháng 1-2018, lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ, giấy phép hành nghề sẽ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Hiện nay, các ngành chức năng đang chờ hướng dẫn để áp dụng, còn doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài thì lo lắng các vấn đề bất cập.

Doanh nghiệp lo chồng chéo

Đại diện Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) cho biết, hiện nay, đơn vị sử dụng gần 100 lao động người nước ngoài. Đa số những lao động này làm việc theo lệnh điều động, hợp đồng lao động đã ký kết với công ty mẹ ở Hàn Quốc. Do vậy, họ đang tham gia BHXH tại công ty mẹ. Nếu họ phải tham gia BHXH tại Việt Nam thì họ đóng BHXH 2 nơi. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN và người lao động. Bên cạnh đó, trong trường hợp họ nộp hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động mà giấy phép lao động hoặc hợp đồng lao động hết hạn, phải về nước thì các thủ tục để hưởng chế độ sẽ được giải quyết ra sao? Hay trong trường hợp lao động người nước ngoài bị chết do tai nạn lao động, thuộc đối tượng nhận trợ cấp hàng tháng thì giải quyết ra sao…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Cùng mối băn khoăn, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam cho biết, hiện nay, đơn vị có hơn 100 lao động người nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, phần lớn chỉ trong thời gian ngắn, từ 1 đến 3 năm rồi trở về nước. Đồng thời, hầu hết người lao động nước ngoài đã tham gia BHXH tại nước họ mang quốc tịch, bây giờ tham gia ở Việt Nam sẽ bị chồng chéo. Nếu vẫn phải tham gia BHXH tại Việt Nam thì họ sẽ hưởng các chế độ thế nào? Quá trình giải quyết thủ tục đóng, hưởng có đơn giản không, hay phải dịch thuật, công chứng phức tạp? Ngoài ra, BHXH ở Việt Nam có chế độ thai sản cho nam giới, vậy nếu vợ của lao động người nước ngoài ở nước ngoài sinh con thì họ có được chế độ không? Nếu khi đã tham gia BHXH tại Việt Nam, đóng đầy đủ theo luật quy định thì khi nghỉ việc, người lao động nước ngoài phải trở lại Việt Nam sau 1 năm để được hưởng khoản tiền trợ cấp, gây khó khăn cho người lao động…

Một lao động người nước ngoài làm việc tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Nha Trang.
Một lao động người nước ngoài làm việc tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Nha Trang.

Đang chờ hướng dẫn

Ông Lê Hùng Chính – Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, Luật BHXH năm 2014 quy định, từ tháng 1-2018, đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc mở rộng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, lao động người nước ngoài có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. “Quy định thì đã có hiệu lực, nhưng chúng tôi vẫn đang chờ BHXH Việt Nam hướng dẫn cụ thể để triển khai”, ông Chính cho hay.

Được biết, người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên đều phải đóng BHXH bắt buộc. Mức đóng hàng tháng là 8% lương. Người sử dụng lao động nước ngoài phải đóng tối đa bằng 18% lương trả cho người lao động.

Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 2010 chỉ có khoảng 400 người thì hiện nay đã tăng lên khoảng 800 người. Hầu hết người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh có trình độ, tay nghề cao, đã được cấp phép lao động hoặc là thành viên góp vốn không thuộc diện cấp phép lao động. Việc thực hiện quy định của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế. Áp dụng quy định này, ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động nước ngoài còn nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài thông qua các hiệp định song phương về BHXH.
 

PHÚ VINH
 

Theo: Báo Khánh Hòa