Ngày 24-8, Khu du lịch Champa Island (TP. Nha Trang) khai trương khu làng nghề truyền thống Cham Oasis. Sự kết hợp giữa phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa là một hướng đi triển vọng trong bối cảnh văn hóa truyền thống đang dần bị mai một.

Nằm trên khu đất rộng hơn 2.500m2 bên dòng sông Cái, làng nghề truyền thống Cham Oasis hòa mình trong không gian mướt xanh cuối đảo, nơi có những căn nhà gỗ truyền thống tuyệt đẹp. Ở đó, Champa Island giới thiệu với du khách những nghề thủ công truyền thống của vùng đất Nam Trung bộ như: làm nón, gốm Chăm, thêu tranh… bằng việc trưng bày sản phẩm, kết hợp với trình diễn các công đoạn chế tác. “Nhiều đơn vị lữ hành than bây giờ nghề truyền thống của xứ Trầm Hương mai một, rất khó để tìm điểm đưa khách đến tham quan. Từ đó, chúng tôi nghĩ đến việc xây dựng làng nghề truyền thống để lưu giữ những nét tinh hoa trong văn hóa của Khánh Hòa, đồng thời làm điểm tham quan cho khách du lịch cũng như các thiếu nhi đến tìm hiểu về văn hóa truyền thống”, bà Lê Thị Hồng – Phó Giám đốc điều hành Khu du lịch Champa Island chia sẻ về ý tưởng xây dựng làng nghề.

Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc trình diễn kỹ thuật làm gốm Chăm truyền thống.

Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc trình diễn kỹ thuật làm gốm Chăm truyền thống.

Đến làng nghề Cham Oasis, từ xa, tôi đã thấy những lu nước bằng gốm Chăm được bày trên thảm cỏ xanh, gợi một cảm giác rất xưa cũ. Bên hiên nhà là những bức phù điêu bằng đất nung tựa như những bức phù điêu trên những ngôi tháp Chăm huyền thoại. Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) đang miệt mài làm những chiếc gạt tàn bằng gốm… Một vài du khách nước ngoài đang say sưa ngắm nhìn bàn tay tài hoa của những người phụ nữ Chăm lướt nhẹ để tạo hình. Được mời làm thử gốm theo kiểu người Chăm, nhiều du khách vừa thích thú vừa  tò mò không hiểu làm sao người Chăm có thể tạo nên những bình gốm đẹp và đều tăm tắp như vậy. “Chúng tôi rất vui khi được giới thiệu nghề làm gốm truyền thống của người Chăm với người dân Nha Trang và du khách”, nghệ nhân Đàng Thị Lớn (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Cách đó vài bước chân là phòng tranh thêu tay Champa. Du khách sẽ được xem các nghệ nhân thể hiện những công đoạn phức tạp của một bức tranh thêu trên lụa, thưởng lãm những bức tranh thêu sống động về Tháp Bà Ponagar, hoa sứ (hoa Champa), hoa sen tuyệt đẹp. Cũng tại làng nghề Cham Oasis, nghệ nhân Nguyễn Thị Lợi đến từ xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh giới thiệu về nghề làm nón lá truyền thống của xứ Trầm Hương. Ở tuổi ngoài 60, bà Lợi vẫn rất nhanh nhẹn trong các công đoạn làm nón như: chuốt vành, ủi lá, lợp lá vào vành, chằm nón… Bà Lợi vốn là dân Thành (thị trấn Diên Khánh), sau khi lấy chồng về Diên Sơn và được mẹ chồng truyền nghề chằm nón. Nhiều năm sau đó, nghề chằm nón đã góp phần phụ thêm thu nhập cho gia đình bà trong những lúc nông nhàn. Thời cuộc thay đổi, nghề xưa mai một, nên khi được Khu du lịch Champa Island mời về để giới thiệu nghề chằm nón, bà Lợi rất vui. “Tôi cứ tưởng nghề này không ai còn nhớ đến. Vậy mà giờ đây tôi được mời để tái hiện nghề chằm nón xưa. Vui hơn nữa là nhân viên, du khách đến đây đều rất thích sản phẩm của tôi. Nhiều nữ nhân viên đặt hàng tôi làm nón để dùng…”,  bà Lợi kể.

Trong bối cảnh nghề truyền thống đang mai một, sự ra đời của làng nghề Cham Oasis là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, không gian của làng nghề chưa đủ lớn để có thể giới thiệu thêm nhiều nghề khác như: dệt chiếu, làm hương, làm bánh tráng, xoi trầm… Về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, Champa Island sẽ nỗ lực để bổ sung, hoàn thiện hơn về không gian cũng như sản phẩm của làng nghề Cham Oasis.  

Chiều về, đứng ở Champa Island, nhìn những chiếc thuyền ngược dòng về hướng mặt trời lặn, hai bên bờ là những cù lao mướt xanh, chợt nghĩ về một tour du lịch văn hóa. Khám phá dòng sông Cái, kết hợp với tham quan làng nghề Cham Oasis sẽ là tour du lịch hấp dẫn mà Nha Trang đang cần.

XUÂN THÀNH