Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Làng đúc đồng trăm năm ở Khánh Hòa

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cận kề cũng là lúc làng nghề đúc đồng truyền thống Phú Lộc Tây (huyện Diên Khánh, Khánh Hoà) tất bật hơn ngày thường.

Nằm cách TP Nha Trang hơn 10 km, Phú Lộc Tây là một trong những làng nghề truyền thống hiếm hoi ở Khánh Hòa còn tồn tại. Đến làng nghề Phú Lộc Tây những ngày cuối năm dễ bắt gặp cảnh xe chở hàng ra vào tấp nập, âm thanh phát ra từ tiếng vỡ của đất nung, máy môtơ mài sản phẩm.

Nghệ nhân Trần Thiện (65 tuổi, tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh) chỉ nhớ nghề có từ thời ông nội, ngoại, tới cậu ruột rồi mới đến mình. “Chiếu theo vua Tự Đức sắc phong thì làng nghề không dưới 220 năm rồi”, nghệ nhân Trần Thiện nói.

Nếu như bình thường, người dân chỉ nổi lửa đúc đồng vào ban đêm hoặc theo nhịp độ 2 lần một tháng. Còn dịp Tết đến số lần đốt lò tăng lên để kịp phục vụ cho những đơn hàng cuối cùng của năm Kỷ Hợi.

Ở làng nghề Phú Lộc, sản phẩm bằng đồng được làm hoàn toàn thủ công bởi bàn tay của những nghệ nhân sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này.

Khuôn đúc đồng có 2 lớp, phía trong là khung chính, còn bên ngoài là lớp đất phủ để đồng lỏng không bị chảy ra ngoài.

Sau khi đồng đổ vào khuôn tạo hình sẽ được nung tiếp bằng lò lộ thiên.

“Giai đoạn này mất khoảng 3-6 tiếng tùy loại để giúp cho sản phẩm đạt độ chín hoàn toàn, tăng sức bền”, anh Khương, chủ một cơ sở đúc đồng, giải thích.

Sau khi nung đủ giờ lò được mở để hoàn tất công đoạn tạo hình ban đầu của sản phẩm.

Phần đất ngoài cùng và khuôn sẽ được tháo bỏ, từ đây sẽ bắt đầu những công đoạn quyết định vẻ đẹp của sản phẩm.

“Dỡ lò mới chỉ được một nửa của công đoạn sản xuất sản phẩm. Phải qua rất nhiều tay thợ lành nghề khác sản phẩm bằng đồng mới đến tay người dùng”, nghệ nhân Trần Thiện chia sẻ.

Theo các nghệ nhân, công đoạn đốt lò, tạo hình sản phẩm được xem là khó khăn nhất. Lò nung đồng nóng hàng nghìn độ nên những nghệ nhân làm việc ở đây tốn rất nhiều công sức, mồ hôi.

Họ liên tục phải sử dụng nước để giảm độ nóng cơ thể trong quá trình làm việc.

Để cho ra một sản phẩm bằng đồng hoàn chỉnh phải trải qua ít nhất 6 công đoạn. “Mỗi công đoạn cần những người lành nghề khác nhau và đều quyết định đến chất lượng sản phẩm”, nghệ nhân Biện Ngọc Triền cho biết.

Làng nghề Phú Lộc chỉ sản xuất các sản phẩm bằng đồng dùng để thờ cúng như lư hương, chân đèn, lục bình, đài đựng nước, cổ bồng…

Giá cả cũng tùy vào sản phẩm, nếu một bộ lư hương thờ cúng đầy đủ có giá thấp nhất 2,5 triệu, cũng có bộ lên đến hàng chục triệu tùy vào kích thước. “Nếu càng to, nhiều món thì giá càng cao”, chị Trần Thị Hạnh, chủ một cửa hàng ở thôn Phú Lộc Tây, cho biết.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc (khoanh đỏ), thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Google Maps.

Theo: Zing News