Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Lan tỏa sân chơi khoa học

Chuẩn bị cho Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh (HS) trung học năm nay, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các trường khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa cho HS nghiên cứu, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn.

Tạo sân chơi trải nghiệm

Khóa học Robotic 2017 do Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) tổ chức là một trong những hoạt động khởi đầu của nhà trường chuẩn bị cho Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp tỉnh năm học 2017 – 2018. Được vận động tổ chức ngay từ trong hè, chương trình ngoại khóa này đã thu hút đông đảo HS các khối lớp và nhận được sự ủng hộ của các cựu HS, nhất là những người đã từng đạt giải thưởng tại những cuộc thi về KHKT. Em Bạch Gia Khiêm – HS lớp 12 chuyên Lý cho biết: “Tham gia hoạt động này, em có thêm kiến thức về linh kiện điện tử, module lập trình, được các anh chị sinh viên và thầy giáo hướng dẫn thực hành lắp ráp xe điều khiển từ xa. Đây là cơ hội để chúng em giao lưu, học hỏi, trải nghiệm và phát huy khả năng sáng tạo”.

Được biết, từ năm 2015 đến nay, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã tổ chức các khóa học chuyên đề về: điện tử cơ bản, điện cơ, lập trình, một số phương pháp sáng tạo KHKT, tổ chức tham quan tìm hiểu hệ thống xử lý nước thải và rác thải thành phố. Đồng thời, giới thiệu về Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp tỉnh, cấp quốc gia (ViSEF) và quốc tế (Intel ISEF). Theo đó, các em được hướng dẫn tìm hiểu chuyên sâu hơn về công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa và nhiều lĩnh vực khác. Thầy Hoàng Bá Kim, tổ trưởng tổ Vật lý cho biết: “Những năm qua, các hoạt động ngoại khóa về KHKT của nhà trường đều có sự tiếp nối, từ kiến thức từng phần cho đến tổng thể để hoàn thành sản phẩm hoàn chỉnh. Để có những hoạt động như vậy phải qua rất nhiều khâu và cần có sự đầu tư về thời gian, kinh phí. Tuy đây mới chỉ là bước khởi đầu, nhưng hoạt động này đã giúp cho các HS mạnh dạn khám phá bản thân, có tinh thần, niềm đam mê về các bộ môn KHKT”.

Lớp học Robotic 2017 tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Quan tâm, đầu tư xứng tầm

Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học (từ lớp 8 đến lớp 12) là cuộc thi chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai hàng năm, giống như kỳ thi chọn HS giỏi các môn văn hóa hiện nay. HS đạt giải trong cả 2 cuộc thi đều có quyền lợi như nhau. Khoảng 2 năm gần đây, cuộc thi này đã được ngành Giáo dục chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quan tâm, đầu tư xứng tầm hơn. Qua đó, góp phần đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và mục tiêu dạy học trong các trường phổ thông hiện nay: học từ nghiên cứu, trải nghiệm, học để trang bị kỹ năng sống.

Có 22 lĩnh vực trong Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho HS trung học năm học 2017 – 2018: khoa học động vật, khoa học xã hội và hành vi, hóa sinh, y sinh và khoa học sức khỏe, sinh học tế bào và phân tử, hóa học, khoa học trái đất và môi trường, vật lý và thiên văn, rô bốt và máy thông minh… Mỗi đơn vị dự thi được gửi không quá 6 dự án; riêng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và các phòng GD-ĐT được gửi không quá 12 dự án. Hạn chót các đơn vị nộp hồ sơ dự thi cấp tỉnh về Sở GD-ĐT là ngày 11-11.

Để chuẩn bị cho cuộc thi năm nay, ngay từ cuối năm học 2016 – 2017, Sở GD-ĐT đã đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai công tác nghiên cứu khoa học cho HS phù hợp với điều kiện thực tế. Việc phát triển câu lạc bộ KHKT trong trường học nhằm tạo môi trường cho HS nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, để cuộc thi đạt kết quả, trong quá trình triển khai, các trường cần khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, đưa nội dung hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học vào sinh hoạt của tổ, nhóm chuyên môn. Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho giáo viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự, nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình học tập, các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo để định hướng, hình thành ý tưởng về dự án nghiên cứu cho HS.

Ngoài ra, các trường cũng cần phối hợp với cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, viện và trung tâm khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Đoàn Thanh niên, nhà khoa học, cha mẹ HS… trong việc hướng dẫn và đánh giá những dự án khoa học của HS, hỗ trợ về kỹ thuật và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho HS nghiên cứu khoa học và tham gia cuộc thi các cấp.

L.Minh – H.Ngân

 

Theo: Báo Khánh Hòa