5 năm qua, thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (Đề án 281), việc học tập trong gia đình đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi khắp cộng đồng dân cư…
Những tấm gương học tập
Gia đình ông Lương Tuyển (thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) là một trong những gia đình được vinh dự chọn là “Gia đình học tập” trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Hội Khuyến học tỉnh giai đoạn 2015 – 2020. Gia đình ông có 4 người con đều học tập tốt và đã có công việc ổn định. Tuy rất bận rộn với vai trò Chủ nhiệm Hợp tác xã 2 Ninh Quang nhưng ông Tuyển vẫn không ngừng học tập. Trước đây, hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn nên được đi học luôn là niềm khao khát trong ông. Dù muộn, ông vẫn luôn kiên trì trên con đường học tập. “Hồi đó, nhờ có trình độ phổ thông và chút kiến thức y khoa nên tôi được cử làm y tá thôn kiêm thú y hợp tác xã. Ban ngày đi làm, buổi tối tôi đi hơn 10km để tham gia lớp học bổ túc cấp 3. Năm 33 tuổi, tôi đã được nhận văn bằng tốt nghiệp. Đến năm 54 tuổi, tôi nhận bằng cử nhân Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Nông nghiệp. Sau đó, tôi lại học tiếp Đại học Luật và nhận được bằng cử nhân luật ở tuổi 63”, ông Tuyển nói.
Bà Bo Bo Thị Bông (54 tuổi, dân tộc Raglai, ở tổ dân phố Hạp Cường, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) cũng là một tấm gương trong phong trào khuyến học. Chồng mất năm 2009, một mình bà nuôi 5 con ăn học. Các con bà đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, có việc làm ổn định tại địa phương. “Gia đình tôi từ xưa đến nay đều làm nông. Trong quá trình nuôi con ăn học, tôi được Ban công tác Mặt trận tổ dân phố, hội khuyến học các cấp quan tâm hỗ trợ, được nhiều người dân nơi cư trú yêu thương, giúp đỡ… nên đã tạo động lực để tôi cố gắng nuôi dạy con tốt”, bà Bông nói.
Nhu cầu thiết thực
Bà Bùi Thị Hồng Tiến – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, thông qua phong trào thi đua, ý thức về việc học tập trong mỗi gia đình có sự chuyển biến tích cực, dần dần đã trở thành nhu cầu thiết thực. Ngoài học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng, tỷ lệ người lớn tham gia học tập, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng nhiều hơn tại các trung tâm học tập cộng đồng, câu lạc bộ học tập cộng đồng. Trung tâm học tập cộng đồng của cấp xã được củng cố, phát triển, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Nhiều gia đình đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, mở rộng ngành nghề mới, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Phong trào xây dựng gia đình học tập đã thực sự góp phần xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Phát huy kết quả đạt được của phong trào gia đình hiếu học trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động Xây dựng cả nước thành xã hội học tập, thời gian tới, hội khuyến học các cấp sẽ tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa tiêu chí gia đình học tập sát với thực tiễn, tổ chức phát động nhiều hoạt động nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia…
Theo báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh, 5 năm qua, hội đã xây dựng tổ chức rộng khắp ở cơ sở với 207.547 hội viên; 997/997 thôn, tổ dân phố có chi hội khuyến học; 497/590 trường học có hội khuyến học; có 382 ban khuyến học trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh công nhận 266.457 gia đình, 231 dòng họ, 926 cộng đồng và 674 đơn vị học tập.
THANH TRÚC
Theo: Báo Khánh Hòa ( https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202103/lan-toa-nhung-gia-dinh-hoc-tap-8210577/ )
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202103/lan-toa-nhung-gia-dinh-hoc-tap-8210577/