Mô hình “Xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ” do Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa chủ trì đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đây cũng là bước đệm cần thiết để hoạt động phân loại rác trở thành một thói quen trong đời sống, sinh hoạt của người dân.

Hiệu quả bước đầu

Tháng 7-2015, mô hình “Xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ” lần đầu tiên được Hội Nông dân tỉnh triển khai tại thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa. 30 hộ tham gia mô hình được cấp phát 30 thùng nhựa loại 160 lít và 90 sọt rác để phân loại rác. Bà Hà Hồng Hạnh – Trưởng ban Kinh tế – Xã hội Hội Nông dân tỉnh, người phụ trách triển khai mô hình cho biết: “Bên cạnh hướng dẫn người dân cách thu gom và phân loại rác thải, xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón, tại các buổi tập huấn, hướng dẫn, chúng tôi còn dành nhiều thời gian để trao đổi các vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường hiện nay. Đồng thời, đưa ra nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông đựng hàng hóa, thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là việc lồng ghép các phương pháp thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Từ đó, giúp người dân hiểu được những lợi ích thiết thực từ việc ủ phân bón từ rác thải, hầu hết các hộ đều nhiệt tình tham gia”.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo ông Lượng Cẩm (thôn Phú Bình), người tham gia mô hình, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, quá trình ủ phân bón cũng không quá phức tạp. Khi ủ đúng cách, phân có độ mịn, tơi xốp, không mùi, khi đem bón cho cây, hoa màu đều phát triển rất tốt. Còn theo lãnh đạo xã Ninh Phụng, từ hiệu quả bước đầu, mô hình tiếp tục được nhân rộng trong toàn xã.

Từ tháng 6-2016, mô hình được triển khai tại thôn Lộc Thọ (xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) với 30 hộ tham gia. Theo ông Trần Kỳ Hải – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Long, sau quá trình tập huấn kỹ thuật, mỗi hộ được cấp phát 1 thùng nhựa loại 160 lít và 3 giỏ đựng rác để phân loại rác thải trong sinh hoạt, sản xuất. Các loại rác hữu cơ như: rau, củ, quả, rơm rạ, lá cây, thực phẩm thừa, phân gia súc, gia cầm… được bỏ vào thùng nhựa để ủ thành phân. Thực hiện đúng kỹ thuật ủ, sau hơn 2 tháng, rác thải sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy biến thành phân hữu cơ. Tham gia mô hình, ông Huỳnh Tào (thôn Lộc Thọ) cho biết: “Cứ khoảng 400kg rác bỏ vào, sau thời gian ủ sẽ cho ra 100kg phân. Đây là hình thức cuốn chiếu, liên tục bỏ rác vào và có thể lấy phân hữu cơ ra thường xuyên”.

Người dân thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng tham gia mô hình

Người dân thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng tham gia mô hình

Nhân rộng mô hình

Từ những thành công bước đầu, năm 2017, Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại 3 xã gồm: Diên Thạnh (huyện Diên Khánh); Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh) và Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm). Có 120 hộ tham gia, mỗi hộ được phát bình ủ phân có sức chứa 220 lít. Ông Cao Hữu Lý – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Phước Đông cho biết: “Mô hình được triển khai tại xã vào cuối tháng 7-2017. Khoảng 1 tháng nữa mới có thể bắt đầu thu hoạch phân. Đây là mô hình giúp người dân hiểu được cách làm, lợi ích từ việc tận dụng rác hữu cơ mà trước đây vẫn thường chôn lấp, đốt, vừa phí phạm vừa ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, ở quy mô hộ gia đình, khi triển khai đại trà, người dân cần có thùng ủ khoảng 1.000 lít mới có thể tận dụng hết được rác thải hữu cơ, nhất là cỏ cây, rơm rạ”.

Ông Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hiệp Nam cho biết: “Mô hình triển khai từ giữa tháng 8-2017. Do còn khá mới mẻ nên quá trình nắm bắt kỹ thuật giữa các hộ chưa đồng đều. Chúng tôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra tại các hộ, kịp thời hướng dẫn thêm cho người dân. Nhiều hộ phản ánh thùng ủ rác hơi nhỏ, cần có thùng lớn hơn. Toàn xã có hơn 1.400 hộ, khoảng 50% số hộ có thể áp dụng mô hình này”.

Theo bà Hà Hồng Hạnh: “Sau khi triển khai được một thời gian, Hội Nông dân tỉnh và các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên mỗi xã 5 hộ tham gia mô hình. Đoàn công tác đánh giá các hộ đều thực hiện đúng quy trình ủ rác thải thành phân bón”.

Bà Trần Thị Kim Liên – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Việc thực hiện mô hình đem lại nhiều lợi ích, hạn chế được ô nhiễm không khí do đốt rác; giảm được lượng rác thải, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, mô hình từng bước tạo thói quen thu gom, phân loại rác thải trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, giảm bớt sự lạm dụng phân hóa học trong sản xuất; giáo dục ý thức cho cộng đồng chuyển đổi hành vi và trở thành thói quen bảo vệ môi trường lâu dài”.

Hồng Đăng

Theo: Báo Khánh Hòa