Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Làm đường tạm “giải cứu” 340 hộ dân bị cô lập vì cầu sập

Cầu bê tông dài hơn 50m bị cuốn phăng, gãy đôi khiến 340 hộ dân bán đảo Bình Lập bị cô lập với đất liền (Ảnh: Trí Nguyễn)

Chiều 30/11, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Cam Lập (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) cho biết, cơ quan chức năng đang triển khai làm một con đường tránh tạm thời để cho người dân bán đảo Bình Lập qua lại, không còn chia cắt với đất liền.

“Dự kiến khoảng 15 đến 20 ngày nữa sẽ có con đường tránh này. Chúng tôi sẽ rọ đá, bắc nhịp, lót ván đi qua con sông một đoạn để cho người dân đi bộ, đi xe máy”, ông Kết nói.

Về giải pháp lâu dài, ông Kết cho biết Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với TP Cam Ranh, thống nhất sẽ xây dựng lại một cây cầu kiên cố bắc qua ngay chính đoạn sông này. Dự kiến, công tác xây cầu kiên cố sẽ hoàn thành trong 4-5 tháng tới.

Trước đó sáng 25/11, cầu bê tông huyết mạch dài hơn 50m nối đất liền với bán đảo Bình Lập bị nước lũ cuốn phăng, gãy đôi. Sự việc khiến 340 hộ dân ở bán đảo Bình Lập bị cô lập với đất liền. Trước nhu cầu bức thiết, người dân đã tự chế một chiếc bè để qua sông.

“Hiện nay, TP Cam Ranh có chỉ đạo bố trí đò từ cảng Ba Ngòi qua Bình Lập, chứ không cho đi bè vì mất an toàn. Chúng tôi cấm bè này, không cho hoạt động”, ông Kết nói.

Cầu bê tông này là cầu huyết mạch kết nối với bán đảo Bình Lập (Ảnh: Trí Nguyễn)

Trong đợt mưa lũ, xã Cam Lập (TP Cam Ranh) bị thiệt hại 80 ao, đìa nuôi trồng thủy hải sản như tôm thẻ, ốc… Theo đó, ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản lên tới hàng chục tỷ đồng.

Về tuyến giao thông quốc lộ 27C (đường đèo Nha Trang – Đà Lạt): hiện nay xe cộ đã lưu thông bình thường sau khi hơn 16.000 m3 đất đá đã được hốt dọn. Ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Tổng cục Đường bộ) chiều 30/11 cho biết, hiện nay các phương tiện khi đi qua tuyến đèo này vẫn phải đi chậm và tăng cường quan sát.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa, 2 đợt mưa lũ kinh hoàng trong tháng 11 vừa qua khiến 19 người chết, 33 người bị thương, 200 căn nhà sập và hư hỏng.

Ngoài ra, khoảng 10.000 con gia cầm, gia súc bị chết, cuốn trôi; hàng chục nghìn m3 đất đá bị sạt lở gây ách tắc giao thông, cùng nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng. Theo đó, tổng thiệt hại ước tính qua 2 đợt mưa lũ kinh hoàng hơn 396 tỷ đồng.

Thủy Nguyên

Theo: Dân Trí