Sáng 25-6, UBND huyện Khánh Vĩnh tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”. Khi được định danh, người trồng bưởi của huyện miền núi này hy vọng cây bưởi da xanh sẽ phát triển lên một tầm cao mới.
Phát triển nhanh
Chỉ mất khoảng 7 năm, cây bưởi da xanh đã có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ trên mảnh đất Khánh Vĩnh. Ông Nguyễn Xuân Long – Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Khánh Vĩnh, một trong số ít người đầu tiên trồng bưởi da xanh tại đây nhớ lại, năm 2005, từ chương trình bán hỗ trợ cây giống của huyện, gia đình ông mua 20 cây bưởi da xanh về trồng. 6 năm sau, cây cho quả và bán được 20 triệu đồng mỗi năm. Thấy hiệu quả hơn so với nhiều loại cây trồng lúc bấy giờ, năm 2012, ông mạnh dạn trồng 2ha bưởi da xanh. 5 năm sau, mỗi năm ông thu bình quân 10 tấn bưởi/ha, sau khi trừ chi phí lãi 300 triệu đồng/ha.
Điều đáng mừng là song hành với quá trình mày mò, tìm hiểu, nỗ lực của người nông dân, cây bưởi da xanh luôn được các sở, ngành và UBND huyện Khánh Vĩnh đặc biệt quan tâm phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Đồng – Chủ tịch UBND huyện, Đề án phát triển cây trồng chủ lực của huyện được xây dựng năm 2016, trong đó có 4 cây trồng được xác định gồm: bưởi da xanh, mít nghệ, sầu riêng và xoài. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, huyện tập trung phát triển cây bưởi da xanh trước. Sau quá trình tổ chức hướng dẫn, đồng hành với người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khuyến khích chuyển đổi cây trồng, phát triển mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh, từng mô hình trồng bưởi đáp ứng chuẩn VietGAP cũng ra đời, làm cơ sở cho việc thiết lập Dự án xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh được công bố ngày hôm nay.
Đến nay, đã có 85ha bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh được cơ quan chức năng chứng nhận VietGAP. Các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn quả mà chủ lực là bưởi da xanh đã được thành lập. Cây bưởi da xanh Khánh Vĩnh không chỉ là cứu cánh kinh tế của người dân nơi đây, mà còn là sự phát triển lớn mạnh về quan niệm, trình độ canh tác nông nghiệp của người nông dân để dần hình thành một vùng chuyên canh cây bưởi da xanh.
Mục tiêu là thị trường cao cấp
Đó là một trong những định hướng sắp tới được lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh đưa ra tại lễ công bố. Toàn bộ người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng và kinh doanh bưởi da xanh tại Khánh Vĩnh là chủ thể sở hữu nhãn hiệu này.
Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, dự án xây dựng nhãn hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” là kết quả sau 2 năm thực hiện. Việc xác lập thương hiệu một mặt nhằm từng bước hình thành vùng chuyên canh bưởi da xanh, gia tăng giá trị thương phẩm, từng bước quảng bá, làm cơ sở để quy hoạch vùng trồng trên quy mô rộng và chuyên nghiệp hơn. Có thương hiệu thì người trồng, chăm sóc, đưa bưởi da xanh ra thị trường cũng gắn trách nhiệm của mình nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín sản phẩm của mình trên thị trường, được thị trường chấp nhận. Mặt khác về lâu dài, nhãn hiệu này còn có thể ngăn ngừa giả mạo trên thị trường.
Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh hiện có hơn 500ha bưởi da xanh tập trung chủ yếu ở các xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Phú, Sông Cầu, Khánh Thành. Ông Nguyễn Văn Đồng khẳng định, việc xây dựng và triển khai dự án thương hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh là rất cần thiết, phù hợp với đòi hỏi của thị trường hiện nay. Tuy nhiên, việc công bố thương hiệu mới chỉ là kết quả bước đầu. Trong thời gian tới, các tập thể, hộ sản xuất cần tập trung duy trì và phát triển thương hiệu. Để trái bưởi da xanh Khánh Vĩnh có thể xâm nhập vào thị trường cao cấp, các hộ đang áp dụng quy trình VietGAP cần tuyên truyền, vận động thêm bà con xung quanh phát triển VietGAP để phát triển vùng trồng rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng quy trình mã hóa, truy xuất nguồn gốc điện tử. Có như vậy, bưởi da xanh Khánh Vĩnh mới có thể đường hoàng đi vào siêu thị, resort, khách sạn… và xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa