Khoảng 2 tuần nữa, cùng với các thí sinh (TS) trên cả nước, hơn 13.500 TS của Khánh Hòa sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 (diễn ra từ ngày 25 đến 27-6). Để chủ động và tránh những sai sót đáng tiếc, TS cần lưu ý một số vấn đề.
Tránh mắc lỗi
Tương tự năm trước, năm nay ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận thì 4 bài thi còn lại là: Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội với tổng cộng 8 môn thi thành phần sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi TS trong phòng thi sẽ có 1 mã đề trắc nghiệm riêng, bài thi được chấm tự động bằng máy tính. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm trước có một số TS đã mắc lỗi trong quá trình làm bài trắc nghiệm như: không tô số báo danh hoặc mã đề thi, tô nhầm dẫn đến số báo danh trùng nhau, tô sai quy cách dẫn đến không thể nhận biết được, phần trả lời tô quá mờ hay bị tẩy xóa… Đây là vấn đề TS cần lưu ý để không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Việc đề thi năm nay nâng cao độ phân hóa, đồng thời bao gồm cả kiến thức lớp 11 là điều nhiều TS lo lắng. Tuy nhiên, theo thầy Trần Đắc Trường – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa), TS không nên quá căng thẳng bởi cấu trúc đề vẫn là 60% kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, còn lại là các yêu cầu vận dụng kiến thức, câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng hay ghi nhớ máy móc… Thứ tự các câu hỏi sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó để TS thuận tiện trong quá trình làm bài. Dựa trên đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố, các nhà trường đã có định hướng cho TS trong quá trình ôn tập như: các môn khoa học tự nhiên yêu cầu hiểu bản chất của các hiện tượng vật lý, hóa học, với các câu hỏi về thí nghiệm, thực hành chứ không đơn thuần là ghi nhớ công thức, tính toán. Đề Ngữ văn cũng ra theo dạng mở để TS bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Đề các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đòi hỏi TS phải tư duy, suy luận logic vấn đề chứ không chỉ ghi nhớ sự kiện một cách máy móc…
Lưu ý một số điểm
Ông Trần Văn Long – Trưởng phòng Khảo thí – Kiểm định chất lượng giáo dục và Công nghệ thông tin, Sở GD-ĐT lưu ý, TS nào đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này, cũng như thi tất cả các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó. Nếu bỏ bất kỳ bài thi, môn thi nào thì không được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điểm liệt khi xét tốt nghiệp THPT là 1 đối với bài thi tổ hợp (quy về thang điểm 10) cũng như các môn thi thành phần trong đó. Tuy nhiên, nếu chọn 2 bài thi tổ hợp và có 1 bài thi bị điểm liệt thì cũng không ảnh hưởng đến kết quả xét tốt nghiệp bởi máy tính sẽ chọn tổ hợp có điểm cao hơn để xét tốt nghiệp. Thời gian giữa các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp năm nay sẽ rút ngắn từ 20 phút xuống còn 10 phút.
TS cũng cần lưu ý đến những vật dụng mà Bộ GD-ĐT quy định được phép mang vào phòng thi (bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, một số loại máy tính, Atlat địa lý đối với môn thi Địa lý) và những vật dụng không được mang vào phòng thi (những vật dụng dễ gây cháy nổ, các loại đồ uống có ga, có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu hay các loại vật dụng có khả năng truyền tin ra bên ngoài…). TS cần có mặt ở phòng thi đúng thời gian quy định. Nếu muộn quá 15 phút sau khi có tín hiệu bắt đầu tính giờ làm bài, TS sẽ không được dự thi môn đó.
Kỳ thi năm nay còn có một số điểm mới như: điểm sẽ được làm tròn đến hai chữ số thập phân thay vì làm tròn đến 0,25 như năm trước. Khung điểm ưu tiên theo đổi tượng và khu vực, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm thay vì 0,5 điểm như năm trước. Như vậy, kết quả thi sẽ chính xác và công bằng hơn, đồng thời đòi hỏi TS thật sự cẩn trọng với bài làm của mình, làm đến đâu chắc đến đó.
Sở GD-ĐT cho biết, so với trước đây, việc đi lại của TS rất thuận lợi bởi các em được thi tại trường, hoặc điểm thi liên trường ngay tại huyện, thị xã, thành phố. Thời điểm này, các TS đều đã nhận được giấy báo dự thi và nắm được số báo danh, địa điểm dự thi. Ngày 24-6, TS sẽ có mặt tại điểm thi để nghe phổ biến quy chế và đính chính các sai sót trong thông tin đăng ký dự thi nếu có.
Theo: Báo Khánh Hòa